Hồ sơ của người xin nhận con nuôi trong nước?
Theo quy định tại Điều 17 của Luật Nuôi con nuôi và Điều 7 của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi, thì hồ sơ của người nhận con nuôi trong nước bao gồm các giấy tờ sau đây:
(1) Đơn xin nhận con nuôi (được làm theo mẫu do Bộ Tư pháp quy định);
(2) Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;
(3) Phiếu lý lịch tư pháp;
(4) Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân: nếu người xin nhận con nuôi là vợ chồng, thì phải có bản sao Giấy chứng nhận kết hôn; nếu người xin nhận con nuôi là độc thân, thì phải có văn bản xác nhận về tình trạng độc thân do Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó thường trú cấp; nếu người đó đã ly hôn, thì phải có bản sao Bản án/Quyết định ly hôn có hiệu lực của Tòa án; nếu người đó có vợ/chồng chết, thì phải có bản sao Giấy chứng tử của người chết;
(5) Giấy khám sức khoẻ do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp và văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp, trừ trường hợp người xin nhận con nuôi thuộc diện được miễn các điều kiện này theo quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật Nuôi con nuôi.
Theo quy định tại Điều 7 của Nghị định 19/2011/NĐ-CP thì hồ sơ của người nhận con nuôi được lập thành 01 bộ, gồm các giấy tờ như đã nêu trên.
Phiếu lý lịch tư pháp, giấy khám sức khoẻ, văn bản xác nhận về hoàn cảnh gia đình, tình trạng chổ ở, điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi trong nước chỉ có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
Như vậy, trong hồ sơ nhận nuôi con nuôi, người xin nhận con nuôi phải có Phiếu lý lịch tư pháp. Phiếu lý lịch tư pháp làm tại Sở Tư pháp, nơi người xin nhận con nuôi có hộ khẩu thường trú.
Thư Viện Pháp Luật