Kiểm tra thực tế đối với người để phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm ở biên giới được quy định ra sao?

Xin chào anh/chị, tôi tên Thanh Tân sinh sống và làm việc tại một huyện biên giới của tỉnh Nghệ An. Theo như thông tin tôi được biết thì Chính phủ có ban hành Nghị định hướng dẫn Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới. Bệnh truyền nhiễm hiện nay diễn ra ngày càng phức tạp, cách tốt nhất là phòng chống nó trước khi nó xảy ra. Tuy nhiên làm thế nào để có thể quản lý thì còn là nhờ vào công tác quản lý để hạn chất mức thấp nhất sự lan tỏa. Tôi có vấn đề thắc mắc liên quan đến vấn đề này, cần được hỗ trợ, cụ thể: Kiểm tra thực tế đối với người để phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm ở biên giới được quy định ra sao? Văn bản nào quy định vấn đề này? Mong sớm nhận được câu trả lời từ Ban biên tập, chân thành cảm ơn! Thanh Tân (thanh_tân**@gmail.com)

Căn cứ theo quy định tại Điều 10 Nghị định 89/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới, có hiệu lực từ 10/8/2018, kiểm tra thực tế đối với người được quy định như sau:

1. Đối tượng kiểm tra:

Người bị nghi ngờ mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 8 và điểm a khoản 3 Điều 9 Nghị định này.

2. Nội dung kiểm tra:

Căn cứ tình hình thực tế của người bị kiểm tra, kiểm dịch viên y tế thực hiện một trong các hoạt động sau:

a) Phỏng vấn, khai thác tiền sử;

b) Khám lâm sàng;

c) Đánh giá hiệu quả các biện pháp xử lý y tế đã áp dụng;

d) Lấy mẫu xét nghiệm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, các bệnh mới nổi, các bệnh bùng phát khi có thông báo của Bộ Y tế

3. Xử lý kết quả kiểm tra:

a) Sau khi kiểm tra thực tế nếu người bị kiểm tra có dấu hiệu mang mầm bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì kiểm dịch viên y tế thực hiện việc xử lý y tế;

b) Trường hợp người bị kiểm tra không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này, kiểm dịch viên y tế xác nhận ngay vào tờ khai y tế, kết thúc quy trình kiểm dịch y tế. Lực lượng kiểm tra, kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh tại cửa khẩu kiểm tra việc xác nhận của kiểm dịch viên y tế trong tờ khai y tế khi có thông báo việc áp dụng khai báo y tế của Bộ Y tế. Trường hợp người thuộc đối tượng phải khai báo y tế theo quy định tại Nghị định này mà không có xác nhận của kiểm dịch viên y tế, lực lượng kiểm tra, kiểm soát xuất, nhập cảnh yêu cầu người đó phải hoàn thành xong việc khai báo y tế trước khi làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh Việt Nam.

4. Thời gian hoàn thành việc kiểm tra thực tế đối với một người không quá 02 giờ (không bao gồm thời gian chờ kết quả xét nghiệm).

Trên đây là nội dung tư vấn về Kiểm tra thực tế đối với người để phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm ở biên giới. Để hiểu rõ và chi tiết hơn vui lòng xem thêm tại Nghị định 89/2018/NĐ-CP. Mong là những thông tin chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho bạn.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào