Quy định thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại

Cha tôi mất, có để lại di chúc chia tài sản cho mấy anh em tôi. Ai cũng được phần bằng nhau. Nhưng khi còn sống cha của tôi có nợ ngân hàng một số tiền. Khi đến hạn, ngân hàng yêu cầu trả tiền, vì nghĩ ai cũng được cha cho đất nên tôi bàn với anh chị của mình là hùng nhau trả, nhưng anh chị tôi không chịu vì nói là con út, ở với cha mẹ thì phải trả. Anh chị tôi nói vậy có đúng không? (Trần Văn Tuấn – Chợ Lách)

Theo quy định tại Điều 637 của Bộ luật Dân sự năm 2005 về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại:

1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

2. Trong trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thoả thuận của những người thừa kế.

3. Trong trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

4. Trong trường hợp Nhà nước, cơ quan, tổ chức hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

Như vậy, trong trường hợp của anh cha anh chết tài sản mấy anh em của anh ai cũng được phần bằng nhau theo di chúc, do vậy khoảng nợ ngân hàng của cha anh đến hẹn phải trả thì mấy anh em của anh, mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho ngân hàng với phần tương ứng phần tài sản mà mình đã nhận nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, có nghĩa là nghĩa vụ trả tiền cho ngân hàng của anh em anh là như nhau, không phải con út, ở với cha mẹ thì phải trả nợ cho cha mẹ. Còn  trong trường hợp anh em của anh có thoả thuận khác, các anh em thỏa thuận được là có một người nào đó đứng ra trả nợ thay thì người đó sẽ trả nợ cho ngân hàng.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào