Các công việc trong kế hoạch bảo trì công trình đường bộ
Các công việc trong kế hoạch bảo trì công trình đường bộ được quy định tại Khoản 2 Điều 17 Thông tư 37/2018/TT-BGTVT quy định về quản lý vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành, (có hiệu lực ngày 24/07/2018), theo đó:
Các công việc trong kế hoạch bảo trì công trình đường bộ
a) Đối với công trình đường bộ sử dụng nguồn vốn của Quỹ bảo trì đường bộ, công việc trong kế hoạch bảo trì bao gồm:
Bảo dưỡng thường xuyên công trình đường bộ bao gồm các công việc theo tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo dưỡng thường xuyên công trình đường bộ và quy trình bảo trì; điện chiếu sáng, điện vận hành hầm, thiết bị lắp đặt vào công trình đường bộ.
Sửa chữa định kỳ công trình đường bộ bao gồm gia cố lề đường để bảo đảm giao thông.
Sửa chữa đột xuất: xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông (bao gồm cả các giải pháp kỹ thuật sử dụng cầu vượt, hầm chui, đảm bảo chiều rộng mặt cầu bằng mặt đường) hoặc các nguyên nhân bất thường khác, giải phóng mặt bằng (nếu có) để đảm bảo an toàn giao thông.
Các nội dung công việc khác: sửa chữa, kiểm định thiết bị, sửa chữa nhà trạm kiểm tra tải trọng xe cố định, lưu động; hỗ trợ dịch vụ sử dụng phà; kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng công trình đường bộ; lập quy trình và định mức quản lý, khai thác, bảo trì các công trình đường bộ đang khai thác có yêu cầu đặc thù; sửa chữa phương tiện, thiết bị phục vụ trực tiếp công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo trì đường bộ; trang phục tuần kiểm; sửa chữa nhà hạt quản lý công trình đường bộ; hoạt động thanh tra, kiểm tra kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hỗ trợ thanh tra giao thông địa phương thực hiện nhiệm vụ trên các tuyến quốc lộ ủy quyền (nếu có); hỗ trợ công tác kiểm tra tải trọng xe cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam; ứng dụng công nghệ phục vụ quản lý, bảo trì công trình đường bộ; hoạt động trông coi, bảo quản công trình đường bộ trong một số trường hợp đặc thù;
b) Nội dung kế hoạch bảo trì bằng các nguồn vốn khác bao gồm các công việc quy định tại điểm a nêu trên trừ: trang phục tuần kiểm; hoạt động thanh tra kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; hỗ trợ thanh tra giao thông địa phương thực hiện nhiệm vụ trên các tuyến quốc lộ được phân cấp, ủy quyền (nếu có); hỗ trợ công tác kiểm tra tải trọng xe của Tổng cục Đường bộ Việt Nam;
c) Đối với hệ thống đường trung ương, khi xây dựng kế hoạch bảo trì phải lựa chọn công việc và danh mục tuyến đường ưu tiên để bố trí vốn thực hiện.
Công việc được ưu tiên gồm: bảo dưỡng thường xuyên công trình đường bộ, vận hành các công trình bến phà đường bộ, hầm có sử dụng thiết bị vận hành; khối lượng của dự án chuyển tiếp từ năm trước sang năm sau; sự cố công trình; sửa chữa, bổ sung các công trình đảm bảo an toàn giao thông, xử lý điểm đen tai nạn giao thông; sửa chữa cầu yếu, cầu hẹp; sửa chữa các tuyến đường hư hỏng mất an toàn giao thông; sửa chữa định kỳ lớp mặt đường của các tuyến đã khai thác quá thời hạn thiết kế để khôi phục các chỉ tiêu kỹ thuật (mức độ rạn nứt, chỉ số độ gồ ghề, chỉ số nhám) theo tiêu chuẩn thiết kế; xây dựng tiêu chuẩn và định mức về quản lý, bảo trì, kiểm định đánh giá khả năng chịu lực của các công trình cầu có biểu hiện xuống cấp không bảo đảm an toàn cho khai thác, sử dụng và các công việc cần thiết khác.
Tuyến đường ưu tiên: đường ô tô cao tốc; quốc lộ có lưu lượng vận tải lớn đóng vai trò trục chính liên kết các vùng có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của cả nước và các vùng kinh tế trọng điểm.
Đối với hệ thống đường địa phương, người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch bảo trì quyết định các công việc ưu tiên trong kế hoạch bảo trì hàng năm.
Trên đây là tư vấn về các công việc trong kế hoạch bảo trì công trình đường bộ. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn hãy tham khảo tại Thông tư 37/2018/TT-BGTVT. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chúc sức khỏe và thành công!
Thư Viện Pháp Luật