Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật
Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Điều 13 Thông tư 17/2014/TT-BTP về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp ban hành như sau:
Trong quá trình soạn thảo văn bản, cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới như sau:
1. Phân tích, đánh giá các vấn đề về giới theo quy định của Luật bình đẳng giới, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật và các quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 và Điều 9 Thông tư này;
2. Đối với các dự án luật, pháp lệnh, nghị định cần phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05/3/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện việc đánh giá dự báo tác động của chính sách về giới theo các nội dung được quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 và Điều 9 Thông tư này cùng với việc đánh giá dự báo tác động kinh tế - xã hội của dự thảo văn bản;
Đối với quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư, thông tư liên tịch, quyết định của Ủy ban nhân dân, nghị quyết của Hội đồng nhân dân thì nội dung đánh giá dự báo tác động của chính sách về giới là một nội dung trong Tờ trình hoặc nội dung trong Bản thuyết minh chi tiết của dự thảo văn bản;
3. Tham vấn, lấy ý kiến của cơ quan lao động thương binh và xã hội, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, các cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia về giới, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Lấy ý kiến phản biện xã hội của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam đối với vấn đề bình đẳng giới hoặc bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới trong dự thảo văn bản;
4. Nêu rõ trong Tờ trình của dự thảo văn bản nội dung lồng ghép vấn đề bình đẳng giới cùng với các phụ lục thông tin, số liệu về giới liên quan đến dự thảo văn bản (nếu có);
5. Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về vấn đề bình đẳng giới hoặc bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới, ý kiến phản biện xã hội của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong Báo cáo giải trình tiếp thu của dự thảo văn bản.
Trên đây là nội dung quy định về việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 17/2014/TT-BTP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật