Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Điều 10 Thông tư 17/2014/TT-BTP về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp ban hành như sau:
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đề xuất xây dựng văn bản có trách nhiệm làm rõ sự cần thiết phải lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thông qua:
a) Xác định, phân tích vấn đề bình đẳng giới hoặc bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới theo quy định pháp luật về bình đẳng giới và quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 và Điều 9 Thông tư này;
b) Dự báo khái quát các nội dung liên quan đến vấn đề bình đẳng giới hoặc bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới của chính sách dự kiến quy định trong văn bản được đề nghị xây dựng;
c) Dự báo tác động sơ bộ của chính sách dự kiến quy định đối với mỗi giới; dự kiến các chính sách cơ bản để bảo đảm vấn đề bình đẳng giới hoặc giải quyết bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đề xuất xây dựng văn bản thể hiện các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này trong Thuyết minh về đề nghị xây dựng văn bản và Báo cáo đánh giá tác động sơ bộ gửi cơ quan lập đề nghị Chương trình xây dựng văn bản. Trường hợp hồ sơ đề xuất xây dựng văn bản chưa đầy đủ theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì cơ quan lập đề nghị Chương trình xây dựng văn bản đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân đó có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu.
Trên đây là nội dung quy định về việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 17/2014/TT-BTP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật