Thi hành kỷ luật trong Đảng được quy định ra sao?
Thi hành kỷ luật trong Đảng được quy định tại Mục 37 Quy định 14-QĐ/TW năm 2001 về thi hành Điều lệ Đảng do Bộ Chính trị ban hành, có quy định như sau:
37.1. Đảng viên vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật đều phải thi hành kỷ luật nghiêm minh; vi phạm đến mức khai trừ thì phải khai trừ, không áp dụng hình thức xoá tên; cấp uỷ viên vi phạm đến mức cách chức thì phải cách chức, không để thôi giữ chức; đảng viên dự bị vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì áp dụng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo, không đủ tư cách thì xoá tên trong danh sách đảng viên.
37.2. Đảng viên bị cách chức vụ về Đảng thì cấp uỷ quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo xem xét, xử lý chức vụ về chính quyền, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước và điều lệ của đoàn thể.
37.3. Chi bộ (gồm chi bộ cơ sở, chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở hoặc chi bộ trong đảng bộ bộ phận), đảng uỷ cơ sở quyết định khiển trách, cảnh cáo đối với đảng viên. Đối với cấp uỷ viên các cấp từ uỷ viên đảng uỷ cơ sở cho đến Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương và cán bộ thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý sinh hoạt tại chi bộ nếu vi phạm phải áp dụng hình thức kỷ luật từ khiển trách trở lên thì chi bộ đề nghị lên cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
37.4. Đảng viên tham gia nhiều cấp uỷ, vi phạm đến mức phải cách chức cấp uỷ viên cao nhất hoặc khai trừ thì do ban thường vụ cấp uỷ cấp trên trực tiếp của cấp uỷ cao nhất mà đảng viên đó là thành viên quyết định; nếu phải cách chức cấp uỷ viên cấp dưới thì do ban thường vụ cấp uỷ quản lý đảng viên đó quyết định; đảng viên giữ nhiều chức vụ, vi phạm kỷ luật phải cách chức một, nhiều, hay tất cả các chức vụ hoặc khai trừ, thì cấp uỷ quản lý đảng viên đó quyết định.
Trong một cấp uỷ có ban thường vụ, nếu một đồng chí chỉ bị cách chức bí thư hoặc phó bí thư thì vẫn còn là uỷ viên thường vụ; nếu cách chức uỷ viên thường vụ thì vẫn còn là cấp uỷ viên; khi bị cách chức cấp uỷ viên thì đương nhiên không còn chức bí thư, phó bí thư, uỷ viên thường vụ.
37.5. Đảng viên sinh hoạt đảng tạm thời nếu vi phạm kỷ luật, cấp uỷ nơi đảng viên sinh hoạt tạm thời có trách nhiệm xem xét xử lý tới mức cảnh cáo. Nội dung xử lý kỷ luật như quy định tại điểm 37.3 nêu trên và thông báo với cấp uỷ nơi sinh hoạt chính thức biết. Trường hợp phải xử lý kỷ luật ở mức cao hơn, cấp uỷ nơi đảng viên sinh hoạt tạm thời phải thông báo mức độ khuyết điểm để cấp uỷ nơi quản lý chính thức của đảng viên đó xử lý; đồng thời báo cáo với cấp uỷ cấp trên của tổ chức cơ sở đảng nơi quản lý đảng viên đó biết và chỉ đạo việc xử lý theo đúng quy định của Điều lệ Đảng.
37.6. Uỷ viên uỷ ban kiểm tra không phải là cấp uỷ viên thì việc thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo tiến hành như đối với cán bộ do cấp uỷ cùng cấp quản lý; trường hợp cách chức, khai trừ thì do cấp uỷ cùng cấp quyết định.
37.7. Việc biểu quyết quyết định kỷ luật hoặc đề nghị kỷ luật phải bằng phiếu kín. Trường hợp biểu quyết không có hình thức kỷ luật nào đủ số phiếu cần thiết như quy định tại điểm 10.3 thì phải báo cáo đầy đủ kết quả bỏ phiếu các hình thức kỷ luật lên cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trên đây là nội dung của Ban biên tập về thi hành kỷ luật trong Đảng. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Quy định 14-QĐ/TW năm 2001.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật