Quyền và nghĩa vụ của cửa hàng bán lẻ LPG chai
Quyền và nghĩa vụ của cửa hàng bán lẻ LPG chai được quy định tại Điều 32 Nghị định 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí, (có hiệu lực 01/08/2018) theo đó:
1. Không mua, bán LPG chai và chai LPG không có nguồn gốc xuất xứ, không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường, không phù hợp với hợp đồng.
2. Lựa chọn và treo biểu hiệu, biểu tượng của thương nhân mà cửa hàng ký hợp đồng bán LPG chai.
3. Chỉ được bán LPG chai của thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện còn hiệu lực mà cửa hàng đã ký hợp đồng còn hiệu lực; không bán LPG chai mini không đảm bảo an toàn theo quy định.
4. Không chiếm giữ chai LPG của các thương nhân kinh doanh LPG ngoài hợp đồng mà cửa hàng đã ký.
5. Niêm yết giá bán LPG chai và bán đúng giá niêm yết; chịu trách nhiệm về khối lượng, chất lượng chai LPG bán cho khách hàng.
6. Thực hiện chế độ ghi chép và xuất hóa đơn, chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính.
7. Tuân thủ các quy định về an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.
8. Các chai LPG khi bán cho khách hàng phải còn nguyên niêm phong, tuyệt đối kín, bảo đảm chất lượng, khối lượng và nhãn mác đã đăng ký.
9. Kiểm tra độ kín của van chai, các đầu nối và ống mềm sau khi lắp đặt mới hoặc thay chai LPG xong, có sự chứng kiến quá trình kiểm tra và ký tên xác nhận vào biên bản giao nhận của khách hàng sử dụng.
10. Chỉ được thay thế, cung cấp cho khách hàng các loại phụ kiện đảm bảo an toàn khi sử dụng và là loại chuyên dùng cho sử dụng với LPG; các ống mềm phải là loại ngăn ngừa hoặc có bảo vệ được khỏi sự xâm hại của loài gặm nhấm.
11. Phải cung cấp tài liệu hướng dẫn và hướng dẫn trực tiếp các thông tin cần thiết về an toàn khi sử dụng LPG, các biện pháp đề phòng, các bước xử lý khi LPG rò rỉ; quy trình sử dụng bếp ga, chai chứa và các phụ kiện kèm theo cho khách hàng sử dụng bếp ga, chai LPG của cửa hàng. Thông báo cho khách hàng sử dụng biết các thông tin sau:
a) Các thông tin chi tiết về chai LPG mà khách hàng sử dụng được cung cấp: Nguồn gốc xuất xứ, niêm phong đúng quy cách, nhãn hiệu hàng hóa, khối lượng LPG và thời hạn kiểm định chai LPG;
b) Khi phát hiện chai LPG không bảo đảm an toàn, có nguy cơ gây cháy nổ (mùi LPG phát tán ra ngoài do van, phụ kiện không đảm bảo độ kín) phải ngừng sử dụng, báo ngay cho cửa hàng LPG đến khắc phục kịp thời;
c) Trường hợp khách hàng chuyển sang dùng chai LPG của thương nhân khác hoặc khi không có nhu cầu sử dụng chai LPG, khách hàng sử dụng phải thông báo cho cửa hàng bán LPG để cửa hàng LPG thu hồi chai LPG.
12. Lập sổ hoặc cơ sở dữ liệu điện tử ứng dụng công nghệ thông tin theo dõi chai LPG bán tại cửa hàng. Tại sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử phải có các thông tin sau về chai chứa: chủ sở hữu, loại chai, số sê ri chai, hạn kiểm định trên chai, nơi nhập chai chứa cho cửa hàng, ngày nhập, tên và địa chỉ khách hàng sử dụng, ngày giao chai cho khách hàng.
13. Chủ cửa hàng, nhân viên làm việc tại cửa hàng phải được huấn luyện về kỹ thuật an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định.
14. Tuân thủ các quy định về quản lý an toàn, phòng cháy và chữa cháy, quản lý đo lường, chất lượng trong hoạt động kinh doanh khí quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.
Trên đây là tư vấn về quyền và nghĩa vụ của cửa hàng bán lẻ LPG chai. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn hãy tham khảo tại Nghị định 87/2018/NĐ-CP. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chúc sức khỏe và thành công!
Thư Viện Pháp Luật