Nguyên tắc tập trung dân chủ được thể hiện qua chế độ tự phê bình và phê bình trong đảng như thế nào?
Nguyên tắc tập trung dân chủ được thể hiện qua chế độ tự phê bình và phê bình trong đảng quy định tại Tiểu mục 10.2 Mục 10 Quy định 14-QĐ/TW năm 2001 về thi hành Điều lệ Đảng do Bộ Chính trị ban hành, có quy định như sau:
a) Hàng năm gắn với tổng kết công tác, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp uỷ đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, cấp uỷ viên các cấp và đảng viên phải tự phê bình và phê bình tập thể và cá nhân, có kế hoạch và chương trình hành động phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm.
b) Cuối nhiệm kỳ đại hội phải tiến hành tự phê bình và phê bình gắn với kiểm điểm đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết đại hội.
- Báo cáo kiểm điểm của cấp uỷ phải lấy ý kiến đóng góp của cấp uỷ cấp dưới trực tiếp, của đảng đoàn, ban cán sự đảng và của lãnh đạo ban, ngành, đoàn thể cùng cấp, phải có ý kiến của cấp uỷ cấp trên trực tiếp.
- Báo cáo của đảng đoàn, ban cán sự đảng và lãnh đạo ban, ngành, đoàn thể phải lấy ý kiến đóng góp của cơ quan chuyên môn, của đảng uỷ cơ quan và của cấp uỷ cùng cấp.
- Cấp uỷ cấp trên gợi ý cho cá nhân và tập thể cấp uỷ cơ quan đảng, tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp những nội dung cần làm rõ:
Đối với cá nhân cấp uỷ viên, đi sâu kiểm điểm về trách nhiệm chính trị và mức độ phấn đấu hoàn thành công việc được giao và những vấn đề khác có liên quan đến trách nhiệm cá nhân, về giữ gìn phẩm chất cá nhân (tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ).
Đối với tập thể cấp uỷ, kiểm điểm việc chấp hành nghị quyết, chủ trương của cấp trên; việc đề ra và kết quả tổ chức thực hiện các nghị quyết, chủ trương của cấp mình; về xây dựng và thực hiện quy chế làm việc; về xây dựng nội bộ đoàn kết; về quản lý tài chính ngân sách, quản lý đất đai...
Thường trực cấp uỷ cấp trên có trách nhiệm tổng hợp, phân tích, chọn lọc các vấn đề để đưa xuống các tổ chức đảng, cấp uỷ cấp dưới gợi ý cho tập thể và cá nhân tự phê bình và phê bình.
- Tổ chức lấy ý kiến quần chúng đóng góp tham gia, bao gồm: ban chấp hành các đoàn thể chính trị, xã hội, Mặt trận Tổ quốc, Hội đồng nhân dân cùng cấp, đại diện cán bộ lão thành cách mạng nhằm phát huy vai trò giám sát của nhân dân góp ý kiến xây dựng Đảng.
Trên đây là nội dung của Ban biên tập về nguyên tắc tập trung dân chủ được thể hiện qua chế độ tự phê bình và phê bình trong đảng. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Quy định 14-QĐ/TW năm 2001.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật