Trách nhiệm đề xuất trang bị của tổ chức giám định tư pháp công lập
Trách nhiệm đề xuất trang bị của tổ chức giám định tư pháp công lập quy định tại Điều 6 Thông tư 13/2018/TT-BCA (có hiệu lực từ 1/7/2018) quy định về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định tối thiểu cho tổ chức giám định tư pháp công lập trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành, cụ thể như sau:
1. Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an có trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát:
a) Đề xuất lãnh đạo Bộ Công an bố trí điều kiện về diện tích làm việc cho lãnh đạo Viện, lãnh đạo các phòng, trung tâm, cho các giám định viên, trợ lý của Viện và diện tích làm việc khác cho Viện và cho các phòng, trung tâm thuộc Viện theo quy định tại Thông tư này.
b) Đề xuất lãnh đạo Bộ Công an trang bị máy móc và thiết bị cho lãnh đạo Viện, cho lãnh đạo các phòng, trung tâm thuộc Viện, cho các giám định viên và trợ lý đang công tác tại Viện theo tiêu chuẩn được quy định tại Thông tư này.
c) Phối hợp với Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật nghiên cứu, đề xuất lãnh đạo Bộ Công an phê duyệt trang bị phương tiện kỹ thuật chuyên dùng cho lực lượng kỹ thuật hình sự và pháp y Công an nhân dân theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
2. Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Đề xuất Giám đốc Công an cấp tỉnh bố trí điều kiện về diện tích làm việc cho lãnh đạo phòng, cho các giám định viên, trợ lý của phòng và diện tích làm việc khác cho đơn vị theo quy định tại Thông tư này.
b) Đề xuất Giám đốc Công an cấp tỉnh trang bị máy móc và thiết bị cho lãnh đạo phòng, cho các giám định viên và trợ lý đang công tác tại đơn vị theo tiêu chuẩn được quy định tại Thông tư này.
c) Tham mưu cho Giám đốc Công an cấp tỉnh báo cáo đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hỗ trợ từ nguồn kinh phí của địa phương để mua sắm, trang bị ngoài các thiết bị, phương tiện được cấp từ Bộ Công an để nâng cao năng lực cho Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của công tác giám định tư pháp.
3. Trưởng phòng Giám định Kỹ thuật hình sự, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm đề xuất cấp có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng:
a) Bố trí điều kiện về diện tích làm việc cho lãnh đạo, cho các giám định viên, trợ lý và diện tích làm việc khác cho đơn vị trên cơ sở tiêu chuẩn quy định của Thông tư này.
b) Trang bị máy móc và thiết bị cho lãnh đạo, cho các giám định viên và trợ lý đang công tác tại đơn vị trên cơ sở tiêu chuẩn quy định của Thông tư này.
c) Phê duyệt trang bị phương tiện kỹ thuật chuyên dùng phục vụ công tác giám định kỹ thuật hình sự cho đơn vị trên cơ sở tiêu chuẩn quy định của Thông tư này.
4. Căn cứ vào thời hạn sử dụng của các thiết bị, phương tiện được quy định tại Thông tư số 162/2014/TT-BTC ngày 06/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, trước khi thiết bị, phương tiện hết hạn sử dụng 12 tháng, Viện trưởng Viện khoa học hình sự, Trưởng phòng Phòng Giám định kỹ thuật hình sự Bộ Quốc phòng có trách nhiệm rà soát, đề xuất cấp Lãnh đạo có thẩm quyền phê duyệt nâng cấp hoặc cấp mới để thay thế các thiết bị đã hết hạn sử dụng hoặc hư hỏng, đảm bảo cho hoạt động giám định được kịp thời, chính xác, phù hợp với công nghệ và trình độ của khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu của đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác.
Trên đây là nội dung về điều kiện về trách nhiệm đề xuất trang bị của tổ chức giám định tư pháp công lập. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Thông tư 13/2018/TT-BCA.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật