Xóa nợ tiền thuế của hàng hóa xuất nhập khẩu, tiền chậm nộp, tiền phạt tại Chi cục Hải quan
Căn cứ theo Tiểu mục 1.1 Mục 1 Khoản 4 Phần II Quy trình quản lý nợ thuế và khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành kèm theo Quyết định 1503/QĐ-TCHQ năm 2018 thì việc xóa nợ tiền thuế của hàng hóa xuất nhập khẩu, tiền chậm nộp, tiền phạt tại Chi cục Hải quan được quy định như sau:
Rà soát, xác định các khoản nợ được xem xét xóa nợ.
Bước 1: Kiểm tra hồ sơ.
a/ Công chức căn cứ phân loại nợ tại mục I Phần II Quy trình này, hồ sơ theo dõi nợ của người nộp thuế, đối chiếu với các trường hợp thuộc đối tượng được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt theo quy định tại Điều 136 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2015/TT-BTC và Thông tư số 179/2013/TT-BTC ngày 02/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn xóa nợ tiền thuế tiền phạt không có khả năng thu hồi phát sinh trước ngày 1/7/2007, nếu thuộc đối tượng xóa nợ thì thực hiện bước 2.
b/ Một số lưu ý khi lập và gửi hồ sơ xóa nợ:
- Đối với doanh nghiệp nhà nước đã giải thể quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 179/2013/TT-BTC: Quyết định giải thể là bản chính hoặc bản sao có chữ ký, đóng dấu của cơ quan ban hành quyết định hoặc của cơ quan quản lý thuế. Quyết định giải thể thất lạc thì phải có xác nhận của UBND tỉnh, thành phố về việc doanh nghiệp đã giải thể và không còn hoạt động.
- Đối với doanh nghiệp nhà nước đã hoàn thành cổ phần hóa quy định tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 179/2013/TT-BTC:
+ Văn bản xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định về giá trị doanh nghiệp đối với số tiền thuế, tiền phạt đề nghị xóa nợ chưa được giảm vốn nhà nước có tại doanh nghiệp (bản chính).
+ Biên bản xác định giá trị doanh nghiệp: phải kèm theo chi tiết các khoản thuế và khoản phải nợ phải trả khác.
- Đối với doanh nghiệp nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu theo hình thức giao, bán quy định tại Khoản 4 Điều 3 Thông tư số 179/2013/TT-BTC: thực hiện như đối với doanh nghiệp nhà nước đã hoàn thành cổ phần hóa.
Bước 2: Chuyển hồ sơ xóa nợ về Cục Hải quan.
* Công chức thực hiện:
- Công chức lập phiếu đề xuất, dự thảo văn bản đề nghị xóa nợ (kèm theo hồ sơ xóa nợ) gửi Cục Hải quan tỉnh, thành phố trong đó nêu rõ quan điểm, lý do đề xuất, Trình Lãnh đạo Đội, Lãnh đạo Chi cục duyệt ký.
* Phê duyệt:
- Lãnh đạo Đội kiểm tra đề xuất của công chức thụ lý, duyệt ký, trình Lãnh đạo Chi cục (nếu đồng ý) hoặc ghi rõ lý do, ý kiến vào phiếu đề xuất (nếu không đồng ý) và trả lại hồ sơ để công chức thực hiện.
- Lãnh đạo Chi cục kiểm tra đề xuất của công chức thụ lý, duyệt ký văn bản (nếu đồng ý) hoặc ghi rõ lý do, ý kiến vào phiếu đề xuất (nếu không đồng ý) và trả lại hồ sơ để công chức thực hiện.
* Ban hành văn bản:
Sau khi lãnh đạo phê duyệt, ký văn bản, công chức chuyển bộ phận văn thư để phát hành theo quy định.
Bước 3: Cập nhật quyết định xóa nợ.
Khi có quyết định xóa nợ của cơ quan có thẩm quyền, công chức thực hiện cập nhật Quyết định xóa nợ vào Hệ thống KTTT.
Trên đây là nội dung quy định về việc xóa nợ tiền thuế của hàng hóa xuất nhập khẩu, tiền chậm nộp, tiền phạt tại Chi cục Hải quan. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 1503/QĐ-TCHQ năm 2018.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật