Các trường hợp được áp dụng biện pháp tạm giữ trong Tố tụng hình sự
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 117 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì các trường hợp được áp dụng biện pháp tạm giữ được quy định cụ thể như sau:
Tạm giữ có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.
Những người có thẩm quyền ra lệnh giữ người quy định tại khoản 2 Điều 110 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có quyền ra quyết định tạm giữ.
Quyết định tạm giữ phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị tạm giữ, lý do tạm giữ, giờ, ngày bắt đầu và giờ, ngày hết thời hạn tạm giữ và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Quyết định tạm giữ phải giao cho người bị tạm giữ.
Người thi hành quyết định tạm giữ phải thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ quy định tại Điều 59 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi ra quyết định tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải gửi quyết định tạm giữ kèm theo các tài liệu làm căn cứ tạm giữ cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền. Nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
Trên đây là nội dung tư vấn về các trường hợp được áp dụng biện pháp tạm giữ. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật