Nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Quản lý thị trường

Nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Quản lý thị trường được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập. Tôi tên là Hải Minh. Hiện nay, tôi đang sinh sống và làm việc tại Hải Phòng. Để phục vụ cho nhu cầu công việc, tôi có thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Ban biên tập cho tôi hỏi: Nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Quản lý thị trường được quy định như thế nào? Tôi có thể tham khảo vấn đề này ở đâu? Tôi hy vọng sớm nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn! (hai_minh***@gmail.com)

Nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Quản lý thị trường được quy định tại Điều 4 Mục II Nghị định 10/CP năm 1995 về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của quản lý thị trường như sau:

Cục Quản lý thị trường là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Thương mại thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và tổ chức chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại ở thị trường trong nước. Cục Quản lý thị trường có nhiệm vụ, quyền hạn như sau:

1/ Kiểm tra việc thi hành pháp luật và các chính sách, chế độ, thể lệ trong hoạt động thương mại, công nghiệp trên thị trường, thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thương mại. Đề xuất với Bộ trưởng Bộ Công Thương những chủ trương, biện pháp cần thiết để thực hiện đúng pháp luật và các chính sách chế độ trong lĩnh vực này. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thương mại cho các tổ chức và cá nhân hoạt động liên quan đến thương mại. (Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Nghị định 27/2008/NĐ-CP)

2/ Xây dựng các văn bản pháp luật về tổ chức quản lý công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường,xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, quy chế kiểm soát thị trường và chính sách, chế độ đối với công chức làm công tác quản lý thị trường các cấp để bộ Thương mại trình Chính phủ ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền.

3/ Phát hiện và đề xuất với Bộ trưởng Bộ Thương mại để Bộ trưởng Bộ thương mại giải quyết theo thẩm quyền quy định tại các Điều 25, 26 và 27 Luật Tổ chức chính phủ về những văn bản quy định của các ngành, các cấp có nội dung trái pháp luật về quản lý thị trường trong hoạt động thương mại.

4/ Tổ chức chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử phạt hành chính theo thẩm quyền các vụ vi phạm trong hoạt động thương mại.

5/ Thường trực giúp Bộ chủ trì tổ chức sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan Nhà nước ở các ngành, các cấp có chức năng quản lý thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu và các hành vi kinh doanh trái phép.

6/ Giúp Bộ theo dõi, quản lý tổ chức, tiêu chuẩn công chức, chế độ trang phục, ấn chỉ của lực lượng quản lý thị trường; hướng dẫn bồi dưỡng nghiệp vụ và thanh tra, kiểm tra hoạt động của cơ quan, công chức quản lý thị trường ở địa phương; đề nghị Bộ trưởng Bộ Thương mại cấp thẻ kiểm soát cho công chức làm nhiệm vụ kiểm soát thị trường các cấp.

7/ Quản lý và thực hiện các chính sách, chế độ đối với công chức thuộc Cục theo phân cấp của Bộ; quản lý tài sản được giao theo quy định của Nhà nước.

Trên đây là nội dung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Quản lý thị trường. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 10/CP năm 1995.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào