Không bảo đảm công bằng, minh bạch trong đấu thầu mua sắm hàng hoá bao gồm các hành vi nào?
Không bảo đảm công bằng, minh bạch trong đấu thầu mua sắm hàng hoá bao gồm các hành vi quy định tại Chương I Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT Quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành, cụ thể:
- Tham dự thầu với tư cách là nhà thầu đối với gói thầu do mình làm Bên mời thầu, Chủ đầu tư hoặc thực hiện các nhiệm vụ của Bên mời thầu, Chủ đầu tư;
- Tham gia lập, đồng thời tham gia thẩm định HSMT đối với cùng một gói thầu;
- Tham gia đánh giá HSDT đồng thời tham gia thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu đối với cùng một gói thầu;
- Là cá nhân thuộc Bên mời thầu, Chủ đầu tư nhưng trực tiếp tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu hoặc tham gia tổ chuyên gia, tổ thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu hoặc là người đứng đầu Chủ đầu tư, Bên mời thầu đối với các gói thầu do cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột đứng tên dự thầu hoặc là người đại diện theo pháp luật của nhà thầu tham dự thầu;
- Nhà thầu tham dự thầu gói thầu mua sắm hàng hóa do mình cung cấp dịch vụ tư vấn trước đó;
- Đứng tên tham dự thầu gói thầu thuộc dự án do Chủ đầu tư, Bên mời thầu là cơ quan, tổ chức nơi mình đã công tác trong thời hạn 12 tháng, kể từ khi thôi việc tại cơ quan, tổ chức đó;
- Áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu không phải là hình thức đấu thầu rộng rãi khi không đủ điều kiện theo quy định của Luật đấu thầu số 43/2013/QH13;
- Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong HSMT;
- Chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu trái với quy định của Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 nhằm mục đích chỉ định thầu hoặc hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.
Trên đây là nội dung câu trả lời về những hành vi không bảo đảm công bằng, minh bạch trong đấu thầu mua sắm hàng hoá. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật