Tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký, phân luồng tờ khai điện tử đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu

Tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký, phân luồng tờ khai điện tử đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu được quy định ra sao? Xin chào ban biên tập, tôi là Đình Hoàng, tôi đang tìm hiểu quy định về quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu. Nhưng có thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập giải đáp và cung câp thông tin giúp, cụ thể là: Tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký, phân luồng tờ khai điện tử đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu được quy định ra sao? Tôi có thể tìm hiểu vấn đề này tại văn bản pháp luật nào? Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban biên tập, chân thành cảm ơn!  

Tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký, phân luồng tờ khai điện tử đối với hàng hoá xuấ, nhập khẩu quy định tại  Điều 6 Quyết định 1966/QĐ-TCHQ năm 2015 về Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành, cụ thể:

1. Hệ thống tự động tiếp nhận, kiểm tra, hướng dẫn (nếu có) cho người khai hải quan và cấp số tờ khai hải quan sau khi nhận thông tin khai trước của người khai hải quan. Trường hợp người khai hải quan thông báo không thực hiện đăng ký được tờ khai hải quan, Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai căn cứ vướng mắc của doanh nghiệp để hướng dẫn xử lý.

Riêng các vướng mắc do doanh nghiệp phản ánh dưới đây, Tổng cục Hải quan hướng dẫn xử lý như sau:

a) Không đăng ký được tờ khai do Hệ thống xác định chưa đúng trạng thái hoạt động của doanh nghiệp:

Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai thực hiện tra cứu thông tin hồ sơ doanh nghiệp trên Hệ thống thông tin Quản lý rủi ro (Mục 5.1.1) và thực hiện như sau:

a.1) Trường hợp Hệ thống xác định trạng thái của doanh nghiệp là “Đang hoạt động” thì thông báo cho Bộ phận hỗ trợ - Tổng cục Hải quan (Help Desk) thông qua số điện thoại (04) 37 824 754, (04) 37 824 755, (04) 37 824 756, (04) 37 824 757 hoặc email: [email protected] để thực hiện thao tác xử lý dữ liệu trên Hệ thống VNACCS;

a.2) Trường hợp Hệ thống không xác định trạng thái doanh nghiệp là “Đang hoạt động” (tình trạng khác hoặc không xác định tình trạng) mà doanh nghiệp có chứng từ chứng minh doanh nghiệp đang hoạt động bình thường thì thực hiện như sau:

a.2.1) Tiếp nhận, kiểm tra chứng từ do doanh nghiệp nộp/xuất trình. Nếu chứng từ hợp lệ, lập Bảng kê với 03 nội dung thông tin gồm:

a.2.1.1) Mã số thuế của doanh nghiệp;

a.2.1.2) Tên doanh nghiệp;

a.2.1.3) Nội dung xử lý: nêu rõ nội dung cần xử lý (Ví dụ: Tên doanh nghiệp trên Hệ thống không thống nhất với tên doanh nghiệp ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp).

a.2.2) Chi cục trưởng Chi cục Hải quan ký tên, đóng dấu Chi cục Hải quan trên Bảng kê, fax Bảng kê và các chứng từ doanh nghiệp nộp về Tổng cục Hải quan (qua đầu mối tiếp nhận là Ban Quản lý rủi ro - số fax: 04.39440644).

Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai có trách nhiệm thực hiện trong thời hạn 02 giờ làm việc kể từ thời điểm người khai hải quan cung cấp đủ các chứng từ quy định;

a.2.3) Trong thời gian Tổng cục Hải quan cập nhật trạng thái hoạt động của doanh nghiệp, căn cứ đề nghị của người khai hải quan, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quyết định cho phép doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan trên tờ khai hải quan giấy.

a.3) Trách nhiệm của Tổng cục Hải quan

Ngay sau khi nhận được thông tin từ Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai (thông qua fax, bảng kê), các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan có trách nhiệm:

a.3.1) Ban Quản lý rủi ro: kiểm tra, đối chiếu và thông báo đến Tổng cục Thuế, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan về việc điều chỉnh thông tin của doanh nghiệp (nếu có) chậm nhất thời hạn 02 giờ kể từ thời điểm nhận đủ các thông tin từ Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai;

a.3.2) Cục CNTT&TKHQ: cập nhật thông tin điều chỉnh của doanh nghiệp vào các Hệ thống liên quan (VNACCS/VCIS, e-Customs, KTT...) chậm nhất 02 giờ kể từ thời điểm nhận đủ các thông tin từ Ban Quản lý rủi ro và trước thời điểm cập nhật hàng ngày vào Hệ thống VNACCS theo hướng dẫn tại Quyết định số 833/QĐ-TCHQ ngày 26/3/2015 của Tổng cục Hải quan.

b) Không đăng ký được tờ khai do số tiền thuế bảo lãnh trên Bảo lãnh riêng nhỏ hơn số tiền thuế phải nộp trên tờ khai và người khai hải quan vẫn có nhu cầu đăng ký tờ khai

b.1) Trường hợp doanh nghiệp chỉ có nhu cầu thông quan cho số lượng hàng hóa tương ứng với số tiền thuế bảo lãnh: hướng dẫn doanh nghiệp sửa đổi số lượng hàng hóa trên tờ khai đảm bảo số tiền thuế phải nộp nhỏ hơn hoặc bằng số tiền thuế bảo lãnh;

b.2) Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu thông quan cho toàn bộ lượng hàng trên tờ khai và chấp nhận nộp số tiền thuế chênh lệch trước khi nhận hàng: hướng dẫn người khai hải quan thực hiện chuyển tiêu chí mã xác định thời hạn nộp thuế là mã “A” chuyển thành mã “D”.

2. Hệ thống tự động tiếp nhận, kiểm tra, hướng dẫn (nếu có) và phân luồng tờ khai hải quan sau khi nhận thông tin khai chính thức của người khai hải quan theo một trong các hình thức được quy định tại khoản 4 Điều 26 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và khoản 3 Điều 19 Thông tư số 38/2015/TT-BTC. Trường hợp mã phân loại kiểm tra là 1 - luồng xanh, chuyển sang Bước 4 (Điều 9 Quy trình này); đối với các mã phân loại kiểm tra 2 - luồng vàng và 3 - luồng đỏ, chuyển sang Bước 2 (Điều 7 Quy trình này) để thực hiện tiếp.

3. Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật và lô hàng chưa qua khu vực giám sát hải quan thì áp dụng nghiệp vụ “Dừng đưa hàng qua khu vực giám sát” quy định tại Điều 14 Quy trình này.

Trường hợp hàng hóa thuộc đối tượng phải kiểm tra thực tế hàng hóa theo quy định của cơ quan có thẩm quyền nhưng Hệ thống không cảnh báo kiểm tra thực tế hàng hóa và phân loại kiểm tra là 1 - luồng xanh, Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai chuyển ngay thông tin về đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ về quản lý rủi ro, điều tra chống buôn lậu, kiểm tra sau thông quan thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố trong ngày đăng ký tờ khai hoặc chậm nhất là ngày làm việc kế tiếp.

Ngay sau khi nhận được thông tin của Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai, các đơn vị liên quan thực hiện:

a) Đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ về quản lý rủi ro: điều chỉnh và cập nhật tiêu chí theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo cấp có thẩm quyền để cập nhật tiêu chí;

b) Đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện kiểm tra sau thông quan: thực hiện ngay việc kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải quan;

c) Đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ về điều tra chống buôn lậu: thực hiện rà soát, điều tra theo chức năng, nhiệm vụ.

Trên đây là nội dung câu trả lời khi tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký, phân luồng tờ khai điện tử đối với hàng hoá xuấ, nhập khẩu. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Quyết định 1966/QĐ-TCHQ năm 2015.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào