Nội dung sát hạch thực hiện lái tàu trên đường sắt đô thị được quy định như thế nào?

Nội dung sát hạch thực hiện lái tàu trên đường sắt đô thị được quy định như thế nào? Xin chào quý ban biên tập, tôi tên Mạnh Thông sinh sống và làm việc tại Hải Phòng. Theo thông tin tôi được biết thì Bộ Giao thông vận tải có ban hành Thông tư quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn đối với chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; nội dung, chương trình đào tạo chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; điều kiện, nội dung, quy trình sát hạch và cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lái tàu trên đường sắt, để đáp ứng nhu cầu hiểu biết tôi có tìm hiểu vấn đề này nhưng vẫn chưa hiểu lắm, nhờ ban biên tập hỗ trợ, cụ thể: Nội dung sát hạch thực hiện lái tàu trên đường sắt đô thị được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định vấn đề này? Mong sớm nhận được câu trả lời từ Ban biên tập, chân thành cảm ơn! (0123**)

Căn cứ quy định tại Điều 64 Thông tư 33/2018/TT-BGTVT quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn đối với chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; nội dung, chương trình đào tạo chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; điều kiện, nội dung, quy trình sát hạch và cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lái tàu trên đường sắt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018, nội dung sát hạch thực hiện lái tàu trên đường sắt đô thị được quy định như sau:

1. Công tác chuẩn bị, báo cáo, hô đáp và xác nhận tín hiệu: Thí sinh phải kiểm tra sự đầy đủ của các dụng cụ, giấy tờ cần thiết và báo cáo, hô đáp xác nhận tín hiệu theo quy định.

2. Kỹ năng đo khoảng cách bằng mắt: Tiến hành đo cự ly bằng mắt ở cự ly trung bình (từ 100 ÷ 300 mét) và cự ly dài (từ 301 ÷ 600 mét), mỗi cự ly 01 lần. Nội dung này được thực hiện trên tuyến thử tàu tại depot.

3. Kỹ năng dừng tàu: Thí sinh phải dừng tàu 10 lần. Vị trí dừng tàu được xác định bằng mốc dừng tàu chuẩn đã được quy định trong đề sát hạch. Vị trí dừng tàu được xê dịch trong khoảng cho phép như sau:

a) Đối với ga không có cửa chắn ke ga là ± 1,0 mét;

b) Đối với ga có cửa chắn ke ga là: ± 0,5 mét.

4. Kỹ năng lái tàu: Thí sinh phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật theo quy định, lái tàu chạy đúng thời gian quy định trong biểu đồ chạy tàu, đúng tốc độ quy định và cảnh báo hiện hành.

5. Kỹ năng điều khiển thiết bị phanh hãm tự động: Thí sinh phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật theo quy định, dừng tàu êm dịu.

Trên đây là nội dung tư vấn về nội dung sát hạch thực hiện lái tàu trên đường sắt đô thị. Để hiểu rõ hơn vấn đề vui lòng xem thêm tại Thông tư 33/2018/TT-BGTVT.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào