Số ngày điều trị nội trú để thanh toán tiền giường bệnh được xác định như thế nào?
Số ngày điều trị nội trú để thanh toán tiền giường bệnh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư 15/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc (có hiệu lực từ ngày 15/7/2018), cụ thể như sau:
a) Số ngày điều trị nội trú bằng ngày ra viện trừ (-) ngày vào viện: Áp dụng đối với trường hợp người bệnh đỡ hoặc khỏi ra viện.
b) Số ngày điều trị nội trú bằng ngày ra viện trừ (-) ngày vào viện cộng (+) 1: Áp dụng đối với trường hợp:
- Người bệnh nặng đang điều trị nội trú mà tình trạng bệnh chưa thuyên giảm hoặc diễn biến nặng lên nhưng gia đình xin về hoặc chuyển viện lên tuyến trên;
- Người bệnh đã được điều trị tại tuyến trên qua giai đoạn cấp cứu nhưng vẫn cần tiếp tục điều trị nội trú được chuyển về tuyến dưới hoặc sang cơ sở y tế khác.
c) Trường hợp người bệnh vào viện và ra viện trong cùng một ngày, thời gian điều trị trên 04 giờ thì được tính là 01 ngày điều trị. Riêng trường hợp người bệnh vào khoa cấp cứu, không qua khoa khám bệnh, có thời gian cấp cứu, điều trị dưới 04 giờ (kể cả trường hợp ra viện, vào viện hoặc chuyển viện, tử vong) được thanh toán tiền khám bệnh, tiền thuốc, vật tư y tế và các dịch vụ kỹ thuật, không thanh toán tiền ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu.
Trên đây là nội dung câu trả lời về việc xác định số ngày điều trị nội trú để thanh toán tiền giường bệnh . Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Thông tư 15/2018/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật