Việc bảo quản, kiểm kê, lập phương án xử lý tài sản khi kết thúc nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện như thế nào?
Việc bảo quản, kiểm kê, lập phương án xử lý tài sản khi kết thúc nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định 70/2018/NĐ-CP quy định về việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành với nội dung như sau:
- Tổ chức, cá nhân chủ trì có trách nhiệm bảo quản tài sản và hồ sơ của tài sản từ ngày kết thúc nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Hợp đồng hoặc từ ngày có quyết định chấm dứt thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cho đến khi hoàn thành việc xử lý tài sản theo quyết định của cấp có thẩm quyền;
- Chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày nhiệm vụ khoa học và công nghệ kết thúc theo Hợp đồng hoặc ngày có quyết định chấm dứt thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, tổ chức, cá nhân chủ trì phải hoàn thành việc kiểm kê tài sản, lập phương án xử lý tài sản, gửi cơ quan được giao quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Việc kiểm kê phải lập thành biên bản theo Mẫu do Bộ Tài chính ban hành;
- Hồ sơ đề nghị xử lý tài sản gửi cơ quan quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ gồm:
+ Văn bản đề nghị xử lý tài sản của nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã kết thúc: 01 bản chính;
+ Biên bản kiểm kê tài sản: 01 bản chính;
+ Danh mục tài sản đề nghị xử lý (chủng loại, số lượng, nguyên giá, giá trị còn lại) và đề xuất phương án xử lý tài sản, trong đó ghi rõ hình thức xử lý tài sản theo quy định tại Điều 7 Nghị định 70/2018/NĐ-CP: 01 bản chính.
Trên đây là nội dung trả lời về việc thực hiện bảo quản, kiểm kê, lập phương án xử lý tài sản khi kết thúc nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này tại Nghị định 70/2018/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật