Lập dự toán kinh phí ngân sách nhà nước bố trí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được quy định ra sao?

Lập dự toán kinh phí ngân sách nhà nước bố trí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được quy định ra sao? Xin chào ban biên tập, tôi là Thành Hoàng, là công chức nhà nước đã về hưu, có thắc mắc tôi muốn nhờ Ban biên tập giải đáp và cung cấp thông tin giúp, cụ thể là: Lập dự toán kinh phí ngân sách nhà nước bố trí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được quy định ra sao? Tôi có thể tìm hiểu vấn đề này tại văn bản pháp luật nào? Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban biên tập, chân thành cảm ơn!  

Lập dự toán kinh phí ngân sách nhà nước bố trí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 6 Thông tư 36/2018/TT-BTC  Hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (có hiệu lực từ ngày 15/6/2018) cụ thể như sau:

- Đối với các Bộ, cơ quan trung ương:

Hàng năm, căn cứ vào mục tiêu, định hướng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng CBCC đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kết quả đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng CBCC của năm báo cáo; yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng CBCC năm kế hoạch và hướng dẫn xây dựng kế hoạch và lập dự toán ngân sách của Bộ Tài chính:

Các Bộ, cơ quan trung ương hướng dẫn các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng CBCC của năm kế hoạch (bao gồm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng CBCC ở trong nước và ở nước ngoài), tổng hợp dự toán đào tạo, bồi dưỡng CBCC của Bộ, cơ quan trung ương gửi Bộ Nội vụ tổng hợp (trước ngày 20/7), đồng thời tổng hợp vào dự toán ngân sách năm kế hoạch của Bộ, cơ quan trung ương để gửi Bộ Tài chính xem xét, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và văn bản hướng dẫn Luật.

Riêng đối với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng CBCC ở nước ngoài, các Bộ, cơ quan trung ương khi xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí gửi Bộ Nội vụ tổng hợp, đồng gửi Bộ Tài chính phải chi tiết theo những tiêu chí sau:

+ Đánh giá kết quả thực hiện và tình hình sử dụng kinh phí năm trước;

+ Cơ quan chủ trì tổ chức các đoàn đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài;

+ Nội dung khoá đào tạo, bồi dưỡng;

+ Đối tượng CBCC dự kiến cử đi đào tạo, bồi dưỡng;

+ Thời gian học tập tại nước ngoài;

+ Dự kiến cơ sở đào tạo, bồi dưỡng;

+ Kinh phí dự kiến cho từng đoàn;

+ Tổng nhu cầu kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCC ở nước ngoài.

- Đối với Bộ Nội vụ:

Căn cứ vào đề nghị của các Bộ, cơ quan trung ương và số kiểm tra về tổng mức kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCC được Bộ Tài chính thông báo, Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng phương án phân bổ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCC theo từng nhiệm vụ (đào tạo, bồi dưỡng CBCC ở trong nước và ở nước ngoài), chi tiết cho các Bộ, cơ quan trung ương gửi Bộ Tài chính để xem xét, tổng hợp chung vào dự toán ngân sách của các Bộ, ngành trình Chính phủ trình Quốc hội quyết định.

- Đối với địa phương:

Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng CBCC của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó chi tiết theo từng nhiệm vụ, Đề án/Dự án đào tạo, bồi dưỡng CBCC (bao gồm cả nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng CBCC ở nước ngoài), theo đơn vị thực hiện, theo nguồn ngân sách (ngân sách địa phương, ngân sách trung ương hỗ trợ, các nguồn kinh phí khác), gửi Sở Tài chính xem xét, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định.

Căn cứ yêu cầu công tác cán bộ trong từng thời kỳ, địa phương quyết định bố trí nguồn kinh phí và cử CBCC đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài, trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả và phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương.

- Đối với các Đề án/Dự án đào tạo, bồi dưỡng CBCC được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện theo các Quyết định riêng:

Hàng năm, cơ quan trung ương được giao chủ trì Đề án/Dự án có trách nhiệm hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương (Sở Nội vụ) liên quan về đối tượng, số lượng cán bộ, công chức cần đào tạo, bồi dưỡng để Bộ, ngành, địa phương có căn cứ xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng CBCC của Bộ, ngành, địa phương phù hợp với mục tiêu Đề án/Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đối với các Đề án/Dự án đào tạo, bồi dưỡng CBCC được Thủ tướng Chính phủ cho phép ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, thì Sở Tài chính tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện Đề án/Dự án trên địa bàn địa phương gửi cơ quan trung ương được giao chủ trì Đề án/Dự án và Bộ Tài chính, trong đó phải làm rõ phần kinh phí tự đảm bảo từ ngân sách địa phương, phần kinh phí đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ.

Căn cứ vào đề nghị của các Bộ, ngành, địa phương; căn cứ tổng mức kinh phí thực hiện Đề án/Dự án được cấp có thẩm quyền thông báo, cơ quan trung ương được giao chủ trì Đề án/Dự án xây dựng phương án phân bổ kinh phí thực hiện Đề án/Dự án chi tiết cho các Bộ, ngành, địa phương gửi Bộ Tài chính để xem xét, tổng hợp chung vào dự toán ngân sách của các Bộ, ngành, địa phương trình các cấp có thẩm quyền theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Trên đây là nội dung câu trả lời về việc lập dự toán kinh phí ngân sách nhà nước bố trí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Thông tư 36/2018/TT-BTC.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Ngân sách nhà nước

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào