Người phải thi hành án dân sự phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án nào?
Người phải thi hành án dân sự phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án quy định tại Khoản 1 Điều 28 Nghị định 173/2004/NĐ-CP về thủ tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự, cụ thể như sau:
- Chi phí cho việc kê biên tài sản: tiền bồi dưỡng cho Hội đồng cưỡng chế; chi phí bảo vệ cưỡng chế; chi phí phòng cháy, nổ (nếu có); chi phí xây ngăn, trừ trường hợp bản án, quyết định xác định rõ người được thi hành án phải chịu một phần hoặc toàn bộ chi phí xây ngăn;
- Chi phí cho việc định giá, định giá lại tài sản, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 và khoản 3 của Điều này; chi phí bán đấu giá tài sản: tiền bồi dưỡng cho các thành viên của Hội đồng định giá, chi phí tổ chức định giá lại tài sản (nếu người phải thi hành án đề nghị định giá lại); tiền thuê địa điểm, phương tiện để tổ chức bán đấu giá (nếu có); phí bán đấu giá theo quy định (trong trường hợp Chấp hành viên ủy quyền cho tổ chức bán đấu giá tài sản bán tài sản);
- Chi phí cho việc thuê, trông coi, bảo quản tài sản; chi phí bốc dỡ, vận chuyển tài sản;
- Chi phí thông báo về cưỡng chế.
Mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia cưỡng chế được áp dụng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Các khoản chi phí khác phải căn cứ theo mức chi thực tế, hợp lý do Thủ trưởng cơ quan thi hành án duyệt theo đề xuất của Chấp hành viên. Các khoản chi phí cưỡng chế phải được thông báo cho đương sự biết.
Chi phí cưỡng chế thi hành án do người phải thi hành án nộp hoặc được khấu trừ vào tiền bán đấu giá tài sản đã bị kê biên hoặc khấu trừ vào tài sản của người phải thi hành án đang do người khác giữ, thuê, vay, mượn, sửa chữa.
Trên đây là nội dung câu trả lời về những khoản cưỡng chế thi hành án mà người thi hành án phải chịu. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Nghị định 173/2004/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật