Biện pháp cưỡng chế kê biên, giao tài sản của người phải thi hành án dân sự được quy định ra sao?
Biện pháp cưỡng chế kê biên, giao tài sản của người phải thi hành án dân sự được quy định tại Điều 21 Nghị định 173/2004/NĐ-CP về thủ tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự, cụ thể như sau:
1. Trước khi ra quyết định kê biên tài sản, Chấp hành viên yêu cầu cơ quan đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản cung cấp thông tin về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của người phải thi hành án; yêu cầu cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm cung cấp thông tin về tài sản dự định kê biên có đang được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người phải thi hành án đối với người có quyền hay không hoặc tài sản do người phải thi hành án quản lý, sử dụng có phải là tài sản thuê mua tài chính hay không. Trong thời hạn năm ngày làm việc, các cơ quan nói trên phải trả lời bằng văn bản cho Chấp hành viên về những nội dung yêu cầu đó.
2. Khi kê biên tài sản, Chấp hành viên phải tạm tính trị giá các tài sản định kê biên để kê biên tương ứng với nghĩa vụ thi hành án và thanh toán các chi phí thi hành án. Chấp hành viên căn cứ vào giá thị trường, đồng thời có thể tham khảo ý kiến của cơ quan chức năng và của các bên đương sự để tạm tính giá trị tài sản kê biên.
3. Trong trường hợp kê biên tài sản là nhà ở hoặc đồ vật đang bị khoá hay đóng gói thì Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án, người đang sử dụng, quản lý tài sản đó mở khoá, mở gói; nếu người phải thi hành án, người quản lý, sử dụng tài sản không mở hoặc cố tình vắng mặt thì Chấp hành viên lập biên bản (có ít nhất hai người làm chứng và sự tham gia của đại diện Uỷ ban nhân dân cấp xã, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp) mở khoá hay mở gói để kiểm tra, liệt kê cụ thể các tài sản và kê biên theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người phải thi hành án, người được thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đang chấp hành hình phạt tù thì Chấp hành viên thực hiện việc thông báo các quyết định, giấy báo về thi hành án cho những người đó thông qua giám thị trại giam. Người đang bị giam giữ có thể ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền, nghĩa vụ về thi hành án của mình theo quy định của pháp luật.
4. Khi phát hiện người thứ ba đang giữ tài sản của người phải thi hành án thì Chấp hành viên yêu cầu người đang giữ tài sản chuyển cho cơ quan thi hành án để thi hành án. Trường hợp người thứ ba không tự nguyện thực hiện yêu cầu của cơ quan thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế kê biên tài sản đó để thi hành án.
Nếu phát hiện người thứ ba đang nợ tiền của người phải thi hành án mà khoản nợ đó đã được xác định bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, thì Chấp hành viên yêu cầu người đó chuyển số tiền cho cơ quan thi hành án để thi hành án. Nếu người thứ ba đang nợ tiền của người phải thi hành án nói trên không thực hiện thì Chấp hành viên có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án cần thiết để thu hồi khoản tiền đó để thi hành án.
Khi kê biên tài sản, nếu có các tranh chấp mà việc tranh chấp đó đương sự chưa khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết thì Chấp hành viên hướng dẫn cho các bên liên quan khởi kiện ra Toà án để bảo vệ quyền lợi của mình. Hết thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày được hướng dẫn mà các bên không khởi kiện thì Chấp hành viên tiếp tục xử lý tài sản đó để thi hành án (trừ trường hợp có trở ngại khách quan quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định này mà các bên không khởi kiện đúng hạn).
5. Đối với trường hợp tài sản kê biên thuộc diện đăng ký quyền sở hữu, sử dụng, đăng ký giao dịch bảo đảm thì khi ra quyết định kê biên tài sản, Chấp hành viên phải thông báo ngay cho các cơ quan sau đây biết việc kê biên tài sản:
a) Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan có thẩm quyền về đăng ký tài sản gắn liền với đất trong trường hợp kê biên quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
b) Cục Hàng không Việt Nam, trong trường hợp tài sản kê biên là tàu bay;
c) Cơ quan đăng ký tàu biển và thuyền viên khu vực, trong trường hợp tài sản kê biên là tàu biển;
d) Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, trong trường hợp tài sản kê biên là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ;
đ) Cơ quan đăng ký thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp, trong trường hợp tài sản kê biên không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c của khoản này, trừ trường hợp tài sản kê biên là tài sản có giá trị nhỏ hoặc tài sản kê biên đã được giao cho cá nhân, tổ chức có điều kiện bảo quản hay được bảo quản tại kho của cơ quan thi hành án.
e) Các cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu, sử dụng khác theo quy định của pháp luật.
6. Kể từ thời điểm nhận được thông báo về việc kê biên tài sản, cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản không thực hiện việc đăng ký chuyển dịch tài sản đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Việc thông báo về quyết định kê biên tài sản có giá trị đối với bên thứ ba, kể từ ngày thông báo đó được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận.
Trong thời hạn không quá ba ngày làm việc, kể từ ngày giải toả kê biên tài sản hay hoàn tất việc bán hoặc giao tài sản kê biên để thi hành án, cơ quan thi hành án phải thông báo cho cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm quy định tại khoản 5 của Điều này biết.
7. Việc cưỡng chế giao nhà, chuyển quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 54 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự cũng được áp dụng trong trường hợp chia tài sản chung.
Trên đây là nội dung câu trả lời về biện pháp cưỡng chế kê biên, giao tài sản của người phải thi hành án dân sự. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Nghị định 173/2004/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật