Thủ tục ủy thác thi hành án dân sự được quy định như thế nào?
Thủ tục ủy thác thi hành án dân sự được quy định tại Điều 13 Nghị định 173/2004/NĐ-CP về thủ tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự, cụ thể như sau:
1. Trước khi ủy thác, cơ quan thi hành án phải xử lý xong các tài sản tạm giữ, vật chứng do Toà án chuyển giao, tài sản kê biên có liên quan trực tiếp đến phần ủy thác để thi hành án. Trong trường hợp việc xử lý các tài sản trên có khó khăn, kéo dài và xét thấy giá trị tài sản không đủ để thi hành án thì có thể ủy thác cho cơ quan thi hành án nơi có điều kiện thi hành mà không chờ xử lý xong các tài sản đó.
Trong trường hợp cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án nhưng xét thấy cần ủy thác thì phải ra quyết định thu hồi một phần hoặc toàn bộ quyết định thi hành án và ủy thác cho nơi có điều kiện thi hành.
2. Quyết định ủy thác phải ghi rõ nội dung ủy thác, khoản đã thi hành xong, khoản cần tiếp tục thi hành và các thông tin cần thiết cho việc thực hiện ủy thác.
Quyết định ủy thác phải kèm theo bản án, quyết định, bản sao biên bản kê biên, tạm giữ tài sản. Trong trường hợp phải ủy thác cho nhiều nơi thì cơ quan thi hành án có thể sao chụp bản án, quyết định thành nhiều bản, có đóng dấu của cơ quan thi hành án nơi ủy thác để gửi cho cơ quan thi hành án nơi nhận ủy thác.
Trong thời gian không quá ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ủy thác, cơ quan thi hành án nhận ủy thác phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan thi hành án ủy thác về việc nhận được ủy thác.
3. Cơ quan thi hành án nhận ủy thác, nếu xét thấy người phải thi hành án không có tài sản hoặc không cư trú, làm việc hay có trụ sở ở địa phương mình thì giải quyết như sau:
a) Trong trường hợp cơ quan thi hành án đã ủy thác chủ động ra quyết định thi hành thì cơ quan nhận ủy thác phải ủy thác tiếp cho cơ quan thi hành án nơi có điều kiện thi hành;
b) Trong trường hợp cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của người được thi hành án thì ra quyết định trả lại đơn yêu cầu và hướng dẫn đương sự gửi đơn yêu cầu (kèm theo quyết định trả đơn và tài liệu liên quan) đến cơ quan thi hành án nơi có điều kiện thi hành. Cơ quan thi hành án nơi có điều kiện thi hành án phải ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của đương sự.
4. Quyết định ủy thác phải được gửi cho Toà án đã chuyển giao bản án, quyết định, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, Viện Kiểm sát nhân dân nơi nhận ủy thác, người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
Trên đây là nội dung câu trả lời về thủ tục ủy thác thi hành án dân sự. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại 173/2004/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật