Chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án dân sự được quy định như thế nào?
Chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án dân sự được quy định tại Điều 3 Nghị định 173/2004/NĐ-CP về thủ tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự, cụ thể như sau:
1. Trong trường hợp tổ chức được thi hành án hoặc phải thi hành án hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản, cổ phần hoá thì việc thực hiện quyền yêu cầu thi hành án hoặc tiếp tục nghĩa vụ thi hành án được thực hiện theo nguyên tắc:
a) Đối với trường hợp hợp nhất, sáp nhập thì tổ chức mới tiếp tục thực hiện quyền yêu cầu thi hành án hoặc tiếp tục nghĩa vụ thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
b) Đối với trường hợp chia, tách thì cơ quan ra quyết định chia tách phải xác định rõ cá nhân, tổ chức được quyền tiếp tục yêu cầu thi hành án hoặc tiếp tục nghĩa vụ thi hành án theo quyết định chia, tách, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Nếu quyết định chia, tách không quy định nghĩa vụ của các tổ chức mới thì sau khi chia, tách các tổ chức mới có trách nhiệm liên đới thực hiện nghĩa vụ thi hành án của tổ chức bị chia tách;
c) Đối với trường hợp giải thể thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định giải thể phải thông báo cho cơ quan thi hành án biết trước khi ra quyết định. Cơ quan thi hành án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền ra quyết định giải thể trong việc xử lý tài sản của tổ chức bị giải thể để thi hành án. Trường hợp quyền, nghĩa vụ thi hành án của tổ chức bị giải thể được chuyển giao cho tổ chức khác thì tổ chức mới tiếp tục thực hiện quyền yêu cầu thi hành án hoặc tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thi hành án.
Cơ quan thi hành án, người được thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền hoặc Toà án xem xét lại quyết định giải thể theo quy định của pháp luật.
Nếu tổ chức bị giải thể không còn tài sản do thực hiện quyết định giải thể trái pháp luật thì cơ quan ra quyết định giải thể trái pháp luật phải chịu trách nhiệm thi hành thay nghĩa vụ của tổ chức bị giải thể tương ứng với phần tài sản đó;
d) Trường hợp tổ chức phải thi hành án tiến hành cổ phần hoá thì trước đó phải thực hiện nghĩa vụ thi hành án của mình. Nếu quyền, nghĩa vụ thi hành án của tổ chức đó được chuyển giao cho tổ chức khác thì tổ chức mới tiếp tục thực hiện quyền yêu cầu thi hành án hoặc tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thi hành án;
đ) Trường hợp tổ chức phải thi hành án phá sản thì quyền và nghĩa vụ thi hành án được thực hiện theo quyết định tuyên bố phá sản.
2. Trường hợp người được thi hành án, người phải thi hành án là cá nhân chết thì quyền, nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao cho người khác theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Nếu người được thi hành án, người phải thi hành án chết mà quyền, nghĩa vụ thi hành án không được chuyển giao cho người khác thì cơ quan thi hành án ra quyết định đình chỉ thi hành án theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 28 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự.
3. Trong các trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 của Điều này thì tổ chức, cá nhân được chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án có quyền làm đơn yêu cầu thi hành hoặc phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ thi hành án theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự và Nghị định này.
Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra các quyết định thi hành án đối với cá nhân, tổ chức mới tương ứng với quyền, nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao; đồng thời ra quyết định thu hồi các quyết định thi hành án trước đây.
Đối với các quyết định, thông báo khác về thi hành án thì tùy từng trường hợp cụ thể mà cơ quan thi hành án giữ nguyên, thu hồi hoặc ra các quyết định, thông báo khác phù hợp theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung câu trả lời về chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án dân sự. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Nghị định 173/2004/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật