Doanh nghiệp được cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất có trách nhiệm gì?
Trách nhiệm của doanh nghiệp được cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất được quy định tại Điều 31 Nghị định 69/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương do Thủ tướng Chính phủ ban hành với nội dung như sau:
- Duy trì điều kiện theo quy định tại Nghị định này trong suốt quá trình doanh nghiệp sử dụng Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất.
- Nghiêm túc giải tỏa hàng thực phẩm đông lạnh tại cảng, cửa khẩu về kho, bãi của mình theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp có hiện tượng ách tắc, tồn đọng.
- Thu gom và xử lý chất thải, nước thải để phòng chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường tại kho, bãi phục vụ kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh.
- Thanh toán toàn bộ các khoản chi phí sau đây (nếu phát sinh):
+ Xử lý, làm sạch môi trường nếu hàng hóa của doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường trong quá trình lưu giữ, tạm nhập, tái xuất tại Việt Nam.
+ Tiêu hủy hàng tồn đọng không tái xuất được, hàng tạm nhập không đúng với khai báo thuộc diện bị xử lý tiêu hủy.
+ Thanh toán các chi phí khác phát sinh do doanh nghiệp vi phạm các quy định về kinh doanh tạm nhập, tái xuất và gửi kho ngoại quan hàng hóa.
- Báo cáo định kỳ hàng quý về tình hình thực hiện tạm nhập, tái xuất hàng hóa thuộc Phụ lục VII, VIII, IX Nghị định 69/2018/NĐ-CP này theo mẫu do Bộ Công Thương quy định.
Trên đây là nội dung trả lời về trách nhiệm của doanh nghiệp được cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật