Nguyên tắc quy hoạch lãnh đạo, quản lý các cấp thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính

Nguyên tắc quy hoạch lãnh đạo, quản lý các cấp thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính được quy định như thế nào? Xin chào quý Ban biên tập, tôi tên Công Hậu sinh sống và làm việc tại Tp. HCM. Để đáp ứng cho nhu cầu công việc cũng như sự hiểu biết cho bản thân, tôi có tìm hiểu về quy hoạch lãnh đạo, quản lý các cấp thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính, nhưng có vấn đề tôi vẫn chưa hiểu nhờ Ban biên tập hỗ trợ giúp, cụ thể: Nguyên tắc quy hoạch lãnh đạo, quản lý các cấp thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định vấn đề này? Mong sớm nhận được câu trả lời từ Ban biên tập, chân thành cảm ơn! (0123**)

Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Quyết định 569/QĐ-BTC năm 2017 Quy chế quy hoạch lãnh đạo, quản lý các cấp thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính, nguyên tắc quy hoạch được quy định như sau:

1. Công tác quy hoạch phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị và thực tế đội ngũ công chức, dự báo được nhu cầu công chức trước mắt và lâu dài.

Quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý phải thực hiện từ dưới lên trên; kết quả quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp dưới là cơ sở để xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp trên;

2. Công tác quy hoạch phải đảm bảo dân chủ, khách quan và đúng quy trình.

3. Phải đánh giá đúng công chức, viên chức trước khi đưa vào quy hoạch. Cán bộ, công chức, viên chức quy hoạch phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định; có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; có uy tín, sức khỏe và chiều hướng, triển vọng phát triển.

4. Công tác quy hoạch công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý các cấp của Bộ Tài chính phải đặt dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Ban cán sự đảng; phát huy trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, đồng thời mở rộng dân chủ trong việc phát hiện nguồn, phát hiện tài năng trong việc giới thiệu cán bộ, công chức, viên chức quy hoạch.

5. Quy hoạch phải đảm bảo phương châm “mở” và “động”

a) Quy hoạch "mở” được hiểu là một chức danh cần quy hoạch một số công chức, viên chức và một công chức, viên chức có thể quy hoạch một số chức danh;

Giới thiệu công chức, viên chức vào quy hoạch không khép kín trong từng đơn vị, không chỉ đưa vào quy hoạch những công chức, viên chức tại chỗ mà cần xem xét, đưa vào quy hoạch các công chức, viên chức đang công tác tại đơn vị khác, có đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có triển vọng đảm nhiệm được chức danh quy hoạch.

b) Quy hoạch "động" là phải định kỳ rà soát, bổ sung, điều chỉnh theo sát sự phát triển của công chức, viên chức;

Kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch những công chức, viên chức không còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện, không có triển vọng phát triển hoặc uy tín thấp, tín nhiệm thấp qua đánh giá và lấy phiếu tín nhiệm.

6. Đảm bảo cơ cấu 3 độ tuổi trong quy hoạch từng chức danh lãnh đạo, quản lý, dãn cách giữa các độ tuổi là 5 năm. Tăng tỷ lệ công chức, viên chức trẻ, công chức, viên chức nữ có triển vọng phát triển.

7. Không quy hoạch chức danh lãnh đạo (hoặc chức danh tương đương) mà công chức, viên chức hiện đang đảm nhiệm, các đồng chí đương nhiệm: nếu có triển vọng phát triển đưa vào quy hoạch chức vụ cao hơn.

8. Quy hoạch công chức, viên chức đảm bảo tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng theo quy định và căn cứ vào kết quả bỏ phiếu của tập thể lãnh đạo đồng ý giới thiệu (lấy từ cao xuống) để phê duyệt theo thẩm quyền hoặc đưa vào danh sách đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch.

Trên đây là nội dung tư vấn về Nguyên tắc quy hoạch lãnh đạo, quản lý các cấp thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính. Để hiểu rõ và chi tiết hơn vui lòng xem thêm tại Quyết định 569/QĐ-BTC năm 2017.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bộ Tài chính

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào