Có được lập vi bằng đối với đất chưa có sổ đỏ?

Có được lập vi bằng đối với đất chưa có sổ đỏ? Xin chào quý Ban biên tập, tôi tên Kim Anh sinh sống và làm việc tại Thành Chương, Nghệ An. Vợ chồng tôi có ý định mua một mảnh đất tại TPHCM xây nhà, tuy nhiên sau khi xem xét thì tôi biết được đất đó vẫn chưa có sổ đỏ, nhưng chủ đất có bảo với tôi là có thể lập vi bằng để thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không cẩn đến sổ đỏ, như vậy có đúng không? Hay có thể nói một cách cụ thể là có được lập vi bằng đối với đất chưa có sổ đỏ? Mong Ban biên tập hỗ trợ giúp. Tôi có thể tìm hiểu vấn đề này tại văn bản pháp luật nào? Mong sớm nhận được câu trả lời từ Ban biên tập, chân thành cảm ơn! Kim Anh (kim_anh78***@gmail.com)

- Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định 135/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh: Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.

- Ở Khoản 2 Điều 2 của Nghị định này cũng có quy định: Thừa phát lại là người có các tiêu chuẩn, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

- Bên cạnh đó, Điều 25 Nghị định 61/2009/NĐ-CP quy định về thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng vi như sau:

+ Thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ các trường hợp quy định tại Điều 6 của Nghị định này; các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng; vi phạm bí mật đời tư theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật dân sự; các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

+ Thừa phát lại được lập vi bằng các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại.

- Giá trị pháp lý của vi bằng được quy định cụ thể tại Điều 7 Thông tư liên tịch 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC, cụ thể như sau:

+ Vi bằng do Thừa phát lại lập là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp theo quy định của pháp luật.

+ Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu xét thấy cần thiết, Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân có thể triệu tập Thừa phát lại để làm rõ tính xác thực của vi bằng.

Từ những phân tích trên, việc bạn lập vi bằng chỉ có giá trị xác nhận việc có giao kết về việc chuyển nhượng và được coi là nguồn chứng cứ tại Tòa khi có tranh chấp xảy ra. Do đó, khi hai bên mua bán đất vẫn phải làm thủ tục sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vẫn phải làm hợp đồng chuyển nhượng có công chứng đầy đủ theo Điều 122 Luật nhà ở 2014, chứ không thể dựa vào vi bằng. Như vậy, đối với đất chưa có sổ đỏ thì không thể lập vi bằng.

Trên đây là nội dung tư vấn về Có được lập vi bằng đối với đất chưa có sổ đỏ. Để hiểu rõ và chi tiết hơn vấn đề vui lòng xem thêm tại Nghị định 135/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 61/2009/NĐ-CP và một số văn bản liên quan. Mong là những thông tin chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho bạn.

Trân trọng và chúc sức khỏe!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Sổ đỏ

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào