Sửa chữa những sai sót trên sổ kế toán trong thi hành án dân sự được quy định như thế nào?
Sửa chữa những sai sót trên sổ kế toán trong thi hành án dân sự được quy định tại Điều 33 Thông tư 91/2010/TT-BTC hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự do Bộ Tài chính ban hành, cụ thể như sau:
1. Các sai sót trong quá trình ghi sổ kế toán phải sửa chữa theo một trong các phương pháp sau:
1.1. Phương pháp cải chính:
Dùng để đính chính những sai sót bằng cách gạch bằng mực đỏ xoá bỏ chỗ ghi sai nhưng vẫn có thể nhìn rõ nội dung sai. Trên chỗ bị xoá bỏ ghi con số hoặc chữ đúng bằng mực thường, phải có chữ ký xác nhận của Kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán bên cạnh chỗ đính chính.
Phương pháp này áp dụng cho các trường hợp:
- Sai sót trong diễn giải, không liên quan đến quan hệ đối ứng của các tài khoản;
- Sai sót không ảnh hưởng đến số tiền tổng cộng.
1.2. Phương pháp ghi số âm:
Phương pháp ghi số âm chia làm hai trường hợp:
1.2.1. Trường hợp ghi sai quan hệ đối ứng tài khoản:
Trường hợp này sửa chữa bằng hai bút toán:
- Ghi bút toán bằng mực đỏ theo đúng quan hệ đối ứng đã ghi sai để huỷ bỏ bút toán đã ghi sai;
- Ghi bút toán bằng mực thường theo đúng quan hệ đối ứng của nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
1.2.2. Trường hợp ghi đúng quan hệ đối ứng tài khoản nhưng số tiền vào sổ lớn hơn số tiền trên chứng từ hoặc số tiền vào sổ bị trùng nhiều lần. Trường hợp này ghi một bút toán bằng mực đỏ để điều chỉnh giảm số tiền chênh lệch đã vào sổ lớn hơn số tiền trên chứng từ hoặc số tiền đã vào trùng.
Khi dùng phương pháp ghi số âm để đính chính số sai thì phải lập một “chứng từ đính chính” do Kế toán trưởng ký xác nhận.
1.3. Phương pháp ghi bổ sung: Phương pháp này áp dụng cho trường hợp ghi đúng về quan hệ đối ứng tài khoản nhưng số tiền ghi sổ ít hơn số tiền trên chứng từ hoặc là bỏ sót không cộng đủ số tiền ghi trên chứng từ. Việc sửa chữa theo phương pháp này phải lập “chứng từ ghi sổ” đính chính do Kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán ký xác nhận, sau đó Kế toán ghi bổ sung bằng mực thường số tiền chênh lệch còn thiếu so với chứng từ.
2. Các sai sót phát hiện sau khi đã khóa sổ, lập báo cáo tài chính:
Sau khi đã khóa sổ, lập báo cáo tài chính hoặc khi công việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán kết thúc và đã có ý kiến kết luận chính thức, nếu có quyết định phải sửa chữa lại số liệu trên báo cáo tài chính liên quan đến số liệu đã ghi sổ kế toán thì đơn vị phải sửa lại sổ kế toán theo phương pháp sửa chữa sổ kế toán và sửa lại số dư của những tài khoản kế toán có liên quan. Việc sửa chữa được thực hiện trực tiếp trên sổ kế toán của năm nay (thời điểm phát sinh nghiệp vụ) đồng thời phải ghi chú vào dưới dòng đã khoá sổ của sổ kế toán các năm trước để tiện đối chiếu, kiểm tra.
Trên đây là nội dung câu trả lời về việc sửa chữa những sai sót trên sổ kế toán trong thi hành án dân sự. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Thông tư 91/2010/TT-BTC.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật