Trình tự khoá sổ kế toán thi hành án dân sự được quy định ra sao?
Trình tự khoá sổ kế toán thi hành án dân sự được quy định tại Điều 36 Thông tư 91/2010/TT-BTC hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự do Bộ Tài chính ban hành, cụ thể như sau:
1. Kiểm tra, đối chiếu:
1.1. Cuối kỳ kế toán, sau khi đã phản ánh hết chứng từ kế toán phát sinh trong kỳ vào sổ kế toán, tiến hành đối chiếu giữa số liệu trên chứng từ với số liệu đã ghi sổ, giữa số liệu các sổ có liên quan với nhau để đảm bảo sự khớp đúng giữa số liệu trên chứng từ với số liệu đã ghi sổ và giữa các sổ với nhau.
Tiến hành cộng số phát sinh trên Sổ Cái và các sổ kế toán chi tiết.
1.2. Từ các sổ, thẻ kế toán chi tiết lập Bảng tổng hợp chi tiết cho những tài khoản phải ghi trên nhiều sổ hoặc nhiều trang sổ.
1.3. Tiến hành cộng tất cả các số phát sinh Nợ, cộng các số phát sinh Có của tất cả các tài khoản trên Sổ Cái xem có bằng nhau và bằng tổng số phát sinh ở trên Nhật ký chung. Sau đó tiến hành đối chiếu số liệu trên Sổ Cái với số liệu trên sổ chi tiết hoặc bảng tổng hợp chi tiết, giữa số liệu của Kế toán với số liệu của Thủ quỹ, Thủ kho. Nếu đảm bảo sự khớp đúng sẽ tiến hành khoá sổ chính thức. Trường hợp có chênh lệch phải xác định nguyên nhân và xử lý đến khi khớp đúng.
2. Trình tự khoá sổ:
2.1. Kẻ một đường ngang dưới dòng ghi nghiệp vụ cuối cùng của kỳ kế toán nửa dòng. Sau đó ghi số phát sinh trong kỳ đã cộng phía dưới dòng đã kẻ;
2.2. Ghi lại dòng cộng phát sinh lũy kế các kỳ trước (số luỹ kế từ đầu quý, hoặc đầu năm đến cuối kỳ trước) kế tiếp dòng cộng phát sinh trong kỳ;
2.3. Dòng cộng phát sinh lũy kế từ đầu năm, hoặc đầu quý tới cuối kỳ này;
Dòng số dư cuối tháng tính như sau:
Số dư Nợ cuối tháng = Số dư Nợ đầu tháng + Số phát sinh Nợ trong tháng - Số phát sinh Có trong tháng
Số dư Có cuối tháng = Số dư Có đầu tháng + Số phát sinh Có trong tháng - Số phát sinh Nợ trong tháng
2.4. Sau khi tính được số dư của từng tài khoản, tài khoản nào dư Nợ thì ghi cột Nợ, tài khoản nào dư Có thì ghi cột Có.
2.5. Kẻ 2 đường kẻ liền nhau ( ======== )dưới chân số dư cuối quý;
2.6. Riêng một số sổ chi tiết có kết cấu các cột phát sinh Nợ, phát sinh Có và số dư (hoặc nhập, xuất, còn lại hay thu, chi, tồn quỹ ...) thì số liệu số dư (còn lại hay tồn) không ghi vào dòng tổng cộng phát sinh mà ghi vào dòng “Số dư cuối kỳ” dưới dòng cộng phát sinh cuối tháng.
Sau khi khoá sổ kế toán, người ghi sổ phải ký dưới 2 đường kẻ và Kế toán trưởng phải kiểm tra đảm bảo sự chính xác, cân đối và ký xác nhận. Sau đó trình Thủ trưởng đơn vị kiểm tra và ký duyệt vào dưới dòng khoá sổ trên Sổ cái để chứng nhận tính pháp lý của số liệu khoá sổ.
Trên đây là nội dung câu trả lời về trình tự khoá sổ kế toán thi hành án dân sự. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Thông tư 91/2010/TT-BTC.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật