Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của công chức Viện kiểm sát khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm
Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của công chức Viện kiểm sát khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm được quy định tại Điều 5 Quyết định 169/QĐ-VKSTC năm 2018 về Quy chế tạm thời Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành, cụ thể như sau:
- Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo quy định tại các Điều 41, 42, 43, 159, 160 Bộ luật Tố tụng hình sự và các quy định pháp luật khác có liên quan khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
- Khi được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên có trách nhiệm lập hồ sơ kiểm sát, quản lý hồ sơ vụ việc, hồ sơ kiểm sát và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và Quy chế này.
Khi được phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên thực hiện các hoạt động theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự. Các chứng cứ, tài liệu, đồ vật thu thập được phải được đưa vào hồ sơ vụ việc và lưu hồ sơ kiểm sát. Việc lập hồ sơ vụ việc, hồ sơ kiểm sát phải bảo đảm đúng thể thức văn bản, tài liệu và phải được thống kê, đóng dấu bút lục theo quy định.
- Khi báo cáo, đề xuất các vấn đề thuộc công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố với lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải báo cáo trung thực, chính xác, đầy đủ nội dung vụ việc, tiến độ giải quyết và đề xuất quan điểm xử lý bằng văn bản.
- Lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện có trách nhiệm quản lý, chỉ đạo hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; xem xét, quyết định các vấn đề liên quan đến việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật, Quy chế này và các quy định khác có liên quan của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện phải ghi rõ ý kiến chỉ đạo vào văn bản đề xuất của Kiểm sát viên; nếu thấy cần thiết thì trực tiếp nghiên cứu hồ sơ, kiểm tra chứng cứ, tài liệu, đồ vật hoặc trực tiếp tiến hành một số hoạt động kiểm tra, xác minh trước khi cho ý kiến chỉ đạo. Văn bản đề xuất phải ghi rõ ngày, tháng, năm, ký tên lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện, Kiểm sát viên và lưu hồ sơ kiểm sát.
Trong quá trình giải quyết vụ việc, nếu có ý kiến khác nhau giữa các Kiểm sát viên hoặc giữa Kiểm sát viên với Phó Viện trưởng, Viện trưởng thì thực hiện theo quy định tại Điều 83 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Trường hợp có ý kiến khác nhau giữa Kiểm sát viên thụ lý chính với lãnh đạo đơn vị thì phải thực hiện ý kiến của lãnh đạo đơn vị, nhưng có quyền báo cáo với Phó Viện trưởng phụ trách; nếu có ý kiến khác nhau giữa lãnh đạo đơn vị với Phó Viện trưởng thì phải thực hiện ý kiến của Phó Viện trưởng, nhưng có quyền báo cáo với Viện trưởng. Kết luận của Viện trưởng, Phó Viện trưởng được ghi vào báo cáo của đơn vị và lưu hồ sơ kiểm sát.
Trường hợp vụ việc phức tạp, có khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết, Viện trưởng có thể đưa ra tập thể lãnh đạo Viện hoặc Ủy ban kiểm sát thảo luận trước khi quyết định. Đối với vụ việc Viện kiểm sát cấp dưới thỉnh thị Viện kiểm sát cấp trên thì việc thỉnh thị và trả lời thỉnh thị thực hiện theo Quy chế về chế độ thông tin, báo cáo và quản lý công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 279/QĐ/VKSTC ngày 01/8/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Khi phát hiện có sai sót về nghiệp vụ hoặc vi phạm pháp luật thì lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện phải có biện pháp khắc phục kịp thời và tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xử lý trách nhiệm người vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung câu trả lời về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của công chức Viện kiểm sát khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Quyết định 169/QĐ-VKSTC năm 2018.
Trân trọng
Thư Viện Pháp Luật