Thời hạn trả sổ BHXH cho người lao động khi người lao động nghỉ việc là bao lâu?
Theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 47 Bộ luật lao động 2012, có quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động, cụ thể như sau:
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.
Như vậy, người sử dụng lao động buộc phải trả lại sổ bảo hiểm xã hội cho lao động khi người lao động chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc thôi việc tại đơn vị.
Trong trường hợp công ty không trả lại sổ bảo hiểm cho bạn trong vòng 7 ngày làm việc kể từ khi chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động có thể làm đơn kiến nghị đến Hòa giải viên lao động cấp quận, huyện nơi công ty đóng trụ sở để yêu cầu được hòa giải hoặc làm đơn khởi kiện đến tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở để được thụ lý giải quyết.
Trong trường hợp, nếu người sử dụng lao động không thực hiện nghĩa vụ trả lại sổ BHXH cho người lao đông, thì người lao đông có thể thực hiện thủ tục khiếu nại để được nhận lại sổ BHXH, cụ thể quy định như sau:
Việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi hành chính về bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
Việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 điều 119 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì người khiếu nại có quyền lựa chọn một trong hai hình thức sau đây:
- Khiếu nại lần đầu đến cơ quan, người đã ra quyết định hoặc người có hành vi vi phạm. Trường hợp cơ quan, người có quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội bị khiếu nại không còn tồn tại thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện có trách nhiệm giải quyết;
- Khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người khiếu nại được quy định tại điểm a khoản 2 điều 119 Luật bảo hiểm xã hội 2014 không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án hoặc khiếu nại đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án.
Khi chấm dứt hợp đồng lao động đúng quy định pháp luật thì người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thôi việc (việc công ty không đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Vấn đề này người lao động có thể tham khảo “Chế độ bảo hiểm đối với doanh nghiệp dưới 10 lao động”).
Trên đây là nội dung câu trả lời của Ban biên tập. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Bộ luật lao động 2012 và một số văn bản pháp luật có liên quan.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật