Việc từ chức, thôi giữ chức vụ công chức, viên chức được quy định như thế nào?

Việc từ chức, thôi giữ chức vụ công chức, viên chức được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Quang Đạt, đang tìm hiểu quy định về công tác bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian công tác của  công chức, viên chức , có thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập giải đáp và cung cấp thông tin giúp, cụ thể: Việc từ chức, thôi giữ chức vụ công chức, viên chức được quy định như thế nào? Tôi có thể tìm hiểu vấn đề này tại văn bản pháp luật nào? Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban biên tập, chân thành cảm ơn!

Việc từ chức, thôi giữ chức vụ công chức, viên chức được quy định tại Điều 17 Quyết định 328/QĐ-BTP năm 2018 về Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, luân chuyển, điều động, biệt phái công chức, viên chức của Bộ Tư pháp, cụ thể như sau:

- Công chức thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 42 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; viên chức thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 38 Luật Viên chức có nguyện vọng xin từ chức, thôi giữ chức vụ thì làm đơn xin từ chức, thôi giữ chức vụ gửi thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ (đối với Lãnh đạo cấp vụ, trưởng phòng hoặc tương đương), gửi trưởng phòng hoặc tương đương (đối với phó trưởng phòng hoặc tương đương).

- Tổng thời hạn xem xét, quyết định cho từ chức, giải quyết thôi giữ chức vụ phải được thực hiện trong 01 tháng kể từ ngày đơn được tiếp nhận (trường hợp vì lý do khách quan chưa thể giải quyết xong thì phải trao đổi với người từ chức, thôi giữ chức vụ).

- Đối với việc xin từ chức của lãnh đạo cấp vụ, xin từ chức hoặc thôi giữ chức vụ của trưởng phòng hoặc tương đương, thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ tổ chức họp liên tịch tập thể lãnh đạo cấp vụ, cấp ủy và đại diện tổ chức chính trị - xã hội của đơn vị để xem xét, quyết định hoặc gửi đề nghị về Vụ Tổ chức cán bộ để báo cáo Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng xem xét, quyết định hoặc phê duyệt chủ trương theo phân cấp.

- Đối với việc xin từ chức, thôi giữ chức vụ của phó trưởng phòng hoặc tương đương:

+ Trưởng phòng tổ chức họp tập thể lãnh đạo cấp phòng hoặc họp liên tịch tập thể lãnh đạo cấp phòng và cấp ủy (đối với cấp phòng có cấp ủy cùng cấp) để xem xét, cho ý kiến, báo cáo thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ.

+ Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ tổ chức họp liên tịch tập thể lãnh đạo cấp vụ, ban thường vụ Đảng ủy hoặc cấp ủy Đảng cùng cấp (nơi không có ban thường vụ) và đại diện tổ chức chính trị - xã hội của đơn vị để xem xét, quyết định hoặc gửi đề nghị về Vụ Tổ chức cán bộ để báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định theo phân cấp quản lý cán bộ.

- Hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho từ chức, giải quyết thôi giữ chức vụ bao gồm:

+ Tờ trình về việc đề nghị cho từ chức, thôi giữ chức vụ.

+ Đơn xin từ chức, thôi giữ chức vụ của công chức, viên chức lãnh đạo.

+ Biên bản các cuộc họp quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều này.

+ Các tài liệu khác có liên quan hoặc theo quy định của pháp luật.

- Khi việc từ chức, thôi giữ chức vụ chưa được cấp có thẩm quyền quyết định, công chức, viên chức lãnh đạo vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao.

- Công chức, viên chức lãnh đạo sau khi từ chức, thôi giữ chức vụ được đơn vị có thẩm quyền theo quy định về phân cấp quản lý công chức, viên chức của Bộ bố trí công tác khác.

- Không thực hiện việc cho từ chức đối với công chức, giải quyết thôi giữ chức vụ đối với viên chức đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử và các trường hợp khác theo quy định.

Trên đây là nội dung câu trả lời về từ chức, thôi giữ chức vụ công chức, viên chức. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Quyết định 328/QĐ-BTP năm 2018.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Viên chức

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào