Dữ liệu môi trường bao gồm những dữ liệu nào?
Dữ liệu môi trường bao gồm những dữ liệu quy định tại Điều 3 Thông tư 34/2013/TT-BTNMT quy định về giao nộp, thu nhận, lưu trữ, bảo quản và cung cấp dữ liệu môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, cụ thể như sau:
- Dữ liệu môi trường bao gồm:
+ Kết quả điều tra, khảo sát, thanh tra, kiểm tra về môi trường;
+ Kết quả của các chương trình, dự án, nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ về môi trường;
+ Kết quả của các chương trình mục tiêu quốc gia; sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường;
+ Kết quả hoạt động của các dự án hợp tác quốc tế về môi trường;
+ Báo cáo Hiện trạng môi trường các cấp (quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương);
+ Danh sách các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, các khu bảo tồn thiên nhiên; Danh mục các loài hoang dã, loài bị đe dọa tuyệt chủng, loài bị tuyệt chủng trong tự nhiên, loài đặc hữu, loài di cư, loài ngoại lai, loài ngoại lai xâm hại, loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, các loài trong Sách Đỏ Việt Nam;
+ Báo cáo Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái (trên cạn, dưới nước) và an toàn sinh học;
+ Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường, cam kết bảo vệ môi trường;
+ Báo cáo về nguồn thải, lượng chất thải, nguồn gây ô nhiễm, chất thải thông thường, chất thải nguy hại có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; kết quả cải tạo, phục hồi môi trường trong các hoạt động khai thác khoáng sản: hiện trạng môi trường tại các mỏ khai thác khoáng sản; hiện trạng môi trường các điểm ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu; dự án xử lý và phục hồi môi trường các điểm ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu;
+ Báo cáo về tình hình nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, nộp phí bảo vệ môi trường; kết quả giải quyết bồi thường thiệt hại, tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết;
+ Báo cáo về khu vực bị ô nhiễm, nhạy cảm, suy thoái, sự cố môi trường; khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường; bản đồ ô nhiễm môi trường và các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường;
+ Danh mục về các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Danh mục và tình hình bảo vệ môi trường làng nghề, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp;
+ Kết quả về quản lý môi trường lưu vực sông, ven biển và biển; ô nhiễm môi trường xuyên biên giới;
+ Kết quả về xử lý chất thải, khí thải, nước thải, tiếng ồn, độ rung và các công nghệ môi trường khác;
+ Kết quả về đào tạo và truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng bảo vệ môi trường.
- Cơ sở dữ liệu môi trường là tập hợp dữ liệu môi trường quy định tại khoản 1 Điều này đã được kiểm tra, đánh giá, xử lý, tích hợp và được lưu trữ một cách có hệ thống, có tổ chức dưới dạng tệp dữ liệu lưu trên các hệ thống tin học, các thiết bị lưu trữ và các vật mang tin như ổ cứng máy tính, băng từ, đĩa CD, DVD hoặc văn bản, tài liệu được xây dựng, cập nhật và duy trì, bao gồm:
+ Cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia do Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường lưu trữ và quản lý;
+ Cơ sở dữ liệu môi trường ngành do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ lưu trữ và quản lý;
+ Cơ sở dữ liệu môi trường địa phương do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) lưu trữ, quản lý.
Trên đây là nội dung câu trả lời về dữ liệu môi trường. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Thông tư 34/2013/TT-BTNMT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật