Việc lấy ý kiến dự thảo hương ước, quy ước được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 7 Quyết định 22/2018/QĐ-TTg về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước do Thủ tướng Chính phủ ban hành (có hiệu lực từ ngày 01/7/2018) thì việc lấy ý kiến dự thảo hương ước, quy ước được quy định như sau:
- Dự thảo hương ước, quy ước trước khi đưa ra cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố bàn, biểu quyết thông qua phải được niêm yết công khai tại nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, bảng tin công cộng, điểm sinh hoạt cộng đồng hoặc địa điểm khác bảo đảm thuận tiện để hộ gia đình, cá nhân trong thôn, tổ dân phố tiếp cận, tìm hiểu và góp ý. Thời hạn niêm yết do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố quyết định nhưng ít nhất là 30 ngày kể từ ngày niêm yết.
- Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố tổ chức lấy ý kiến của hộ gia đình, cá nhân trong thôn, tổ dân phố về dự thảo hương ước, quy ước bằng một trong các hình thức sau đây:
+ Sao gửi dự thảo hương ước, quy ước đến từng hộ gia đình, cá nhân;
+ Mở hòm thư tiếp nhận ý kiến góp ý;
+ Lồng ghép, lấy ý kiến góp ý trong cuộc họp, hội nghị của thôn, tổ dân phố hoặc hình thức phù hợp khác.
Việc lựa chọn hình thức lấy ý kiến do Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố quyết định phù hợp với Điều kiện thực tế ở địa phương.
- Việc lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan do Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố quyết định nếu xét thấy cần thiết. Việc lấy ý kiến được thực hiện bằng một trong các hình thức quy định tại Khoản 2 Điều 7 Quyết định 22/2018/QĐ-TTg.
- Tổ soạn thảo hương ước, quy ước có trách nhiệm tổng hợp, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo hương ước, quy ước trên cơ sở ý kiến của hộ gia đình, cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 7 Quyết định 22/2018/QĐ-TTg.
Trên đây là nội dung trả lời về việc lấy ý kiến dự thảo hương ước, quy ước. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này tại Quyết định 22/2018/QĐ-TTg.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật