Việc đào tạo cho thành viên của Hội đồng đạo đức nghiên cứu y sinh học được quy định như thế nào?
Việc đào tạo cho thành viên của Hội đồng đạo đức nghiên cứu y sinh học được quy định tại Điều 15 Thông tư 45/2017/TT-BYT về quy định việc thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành với nội dung như sau:
- Các thành viên của Hội đồng đạo đức phải được đào tạo sau khi được bổ nhiệm và đào tạo liên tục, cập nhật về khía cạnh đạo đức và khoa học của nghiên cứu y sinh học.
- Hoạt động đào tạo liên tục phải được thực hiện ít nhất một lần trong 02 năm.
- Khi hoạt động đào tạo được hỗ trợ bởi các nhà tài trợ nghiên cứu, cần có cơ chế để bảo đảm các nhà tài trợ không tác động trực tiếp hoặc gián tiếp, thông qua các nội dung tập huấn.
- Ngoài việc đào tạo chung cho tất cả thành viên, các khóa đào tạo phải được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của từng thành viên và yêu cầu cụ thể của Hội đồng đạo đức. Nội dung đào tạo cần bao gồm:
+ Vai trò và nhiệm vụ của Hội đồng đạo đức, vai trò của Hội đồng đạo đức đối với các đơn vị khác có liên quan, theo các hướng dẫn quốc tế có liên quan (Hướng dẫn đạo đức quốc tế về nghiên cứu y sinh và Hướng dẫn đạo đức quốc tế về nghiên cứu dịch tễ học của Hội đồng đạo đức các tổ chức quốc tế về khoa học y tế, Thực hành nghiên cứu lâm sàng tốt của Hội nghị Quốc tế về hài hòa sử dụng dược phẩm trên con người);
+ Quyền và nghĩa vụ của thành viên Hội đồng đạo đức, những việc thành viên Hội đồng đạo đức không được làm, tính độc lập của Hội đồng đạo đức và các quy định khác có liên quan đến thành viên Hội đồng đạo đức;
+ Nội dung các quy trình thực hành chuẩn của Hội đồng đạo đức, pháp luật có liên quan đến nghiên cứu y sinh học;
+ Những cân nhắc về đạo đức trong nghiên cứu y sinh học liên quan đến con người;
+ Các khía cạnh cơ bản của phương pháp và thiết kế nghiên cứu;
+ Tác động của các thiết kế khoa học và các mục tiêu khác nhau đến vấn đề đạo đức của một nghiên cứu;
+ Cách nhận biết và giải quyết những điểm khác biệt có thể phát sinh giữa các quan điểm, phương thức tiếp cận về đạo đức khác nhau khi đánh giá các nghiên cứu;
+ Tiến hành nghiên cứu trong thực tiễn và tính khả thi của nghiên cứu.
Trên đây là nội dung trả lời về việc đào tạo cho thành viên của Hội đồng đạo đức nghiên cứu y sinh học. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này tại Thông tư 45/2017/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật