Nghiên cứu hồ sơ vụ án hành chính
Nghiên cứu hồ sơ vụ án hành chính được quy định tại Điều 19 Quyết định 282/QĐ-VKSTC năm 2017 về Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành, cụ thể như sau:
- Thời hạn nghiên cứu hồ sơ vụ án để tham gia phiên toà, phiên họp tại Tòa án cấp sơ thẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 147 Luật TTHC và hướng dẫn tại Điều 4 TTLT số 03/2016.
- Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án của Tòa án và của những người tham gia tố tụng; xem xét yêu cầu khởi kiện, các điều kiện khởi kiện, thẩm quyền giải quyết vụ án của Tòa án; kiểm tra, đánh giá khách quan, toàn diện tài liệu, chứng cứ; việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để lập hồ sơ vụ án của Tòa án theo quy định tại Điều 132 Luật TTHC.
- Trường hợp phát hiện Tòa án chưa thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ bảo đảm cho việc giải quyết vụ án đúng pháp luật thì Kiểm sát viên, Kiểm tra viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo Viện kiểm sát để thực hiện quyền yêu cầu Toà án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 84 Luật TTHC và hướng dẫn tại Điều 22 TTLT số 03/2016. Trường hợp phát hiện có vi phạm trong việc thu thập chứng cứ của Tòa án thì Kiểm sát viên, Kiểm tra viên kịp thời báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát thực hiện quyền kiến nghị.
- Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên xây dựng tờ trình báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án, dự thảo đề cương hỏi, dự thảo văn bản phát biểu ý kiến tại phiên tòa.
Trên đây là nội dung câu trả lời về việc nghiên cứu hồ sơ vụ án hành chính. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo tại Quyết định 282/QĐ-VKSTC năm 2017.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật