Nguyên tắc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức Tòa án
Căn cứ quy định tại Điều 4 Quyết định 636/QĐ-TANDTC năm 2018 về Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức Tòa án nhân dân do Tòa án nhân dân tối cao ban hành, nguyên tắc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức Tòa án nhân dân được quy định như sau:
1. Đào tạo, bồi dưỡng phải căn cứ vào tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm; gắn với công tác sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của Tòa án nhân dân.
2. Việc chọn, cử và quản lý công chức, viên chức đi học được thực hiện công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ, đề cao ý thức tự học và việc lựa chọn Chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức.
3. Đơn vị giới thiệu công chức, viên chức đi học phải đảm bảo việc đi học của công chức, viên chức không làm ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ chung của đơn vị. Số lượng công chức, viên chức đi học trong giờ hành chính của mỗi đơn vị trong cùng một năm công tác không vượt quá 20% tổng số biên chế hiện có của đơn vị; đối với hình thức đào tạo tại chức và hình thức đào tạo không tập trung thì không vượt quá 25% tổng số biên chế hiện có của đơn vị.
4. Khuyến khích công chức, viên chức, người lao động đăng ký học các khóa đào tạo, bồi dưỡng trong nước học ngoài giờ hành chính và tự túc toàn bộ chi phí đào tạo. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với vị trí việc làm hiện tại hoặc phù hợp với yêu cầu công tác của đơn vị.
Trên đây là nội dung tư vấn về Nguyên tắc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức Tòa án nhân dân. Để hiểu rõ và chi tiết hơn vấn đề vui lòng xem thêm tại Quyết định 636/QĐ-TANDTC năm 2018. Mong rằng những thông tin chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho bạn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật