Những hành vi bị nghiêm cấm trong phòng chống HIV/AIDS

Những hành vi bị nghiêm cấm trong phòng chống HIV/AIDS gồm hành vi nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Ngọc Vân hiện đang sống và làm việc tại Bình Dương. Tôi hiện đang tìm hiểu về phòng, chống nhiễm HIV/AIDS. Tôi có một số thắc mắc về vấn đề này mong được Ban biên giải đáp giúp. Vậy Ban biên tập cho tôi hỏi những hành vi bị nghiêm cấm trong phòng chống HIV/AIDS gồm hành vi nào? Vấn đề này được quy định cụ thể tại văn bản nào? Mong Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Chân thành cảm ơn và chúc sức khỏe Ban biên tập.  

Những hành vi bị nghiêm cấm trong phòng chống HIV/AIDS được quy định tại Điều 8 Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006, theo đó: 

Những hành vi bị nghiêm cấm trong phòng chống HIV/AIDS gồm:

1. Cố ý lây truyền hoặc truyền HIV cho người khác.

2. Đe dọa truyền HIV cho người khác.

3. Kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

4. Cha, mẹ bỏ rơi con chưa thành niên nhiễm HIV; người giám hộ bỏ rơi người được mình giám hộ nhiễm HIV.

5. Công khai tên, địa chỉ, hình ảnh của người nhiễm HIV hoặc tiết lộ cho người khác biết việc một người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó, trừ trường hợp quy định tại Điều 30 của Luật này.

6. Đưa tin bịa đặt về nhiễm HIV đối với người không nhiễm HIV.

7. Bắt buộc xét nghiệm HIV, trừ trường hợp quy định tại Điều 28 của Luật này.

8. Truyền máu, sản phẩm máu, ghép mô, bộ phận cơ thể có HIV cho người khác.

9. Từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV.

10. Từ chối mai táng, hoả táng người chết vì lý do liên quan đến HIV/AIDS.

11. Lợi dụng hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để trục lợi hoặc thực hiện các hành vi trái pháp luật.

12. Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.

Trên đây là tư vấn về những hành vi bị nghiêm cấm trong phòng chống HIV/AIDS. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn. 

Chào thân ái và chúc sức khỏe!  

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào