Trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật
Trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa được quy định tại Điều 22 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, cụ thể như sau:
- Kịp thời tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp hàng hóa có khuyết tật trên thị trường;
- Thông báo công khai về hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi hàng hóa đó ít nhất 05 số liên tiếp trên báo ngày hoặc 05 ngày liên tiếp trên đài phát thanh, truyền hình tại địa phương mà hàng hóa đó được lưu thông với các nội dung sau đây:
+ Mô tả hàng hóa phải thu hồi;
+ Lý do thu hồi hàng hóa và cảnh báo nguy cơ thiệt hại do khuyết tật của hàng hóa gây ra;
+ Thời gian, địa điểm, phương thức thu hồi hàng hóa;
+ Thời gian, phương thức khắc phục khuyết tật của hàng hóa;
+ Các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình thu hồi hàng hóa;
- Thực hiện việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật đúng nội dung đã thông báo công khai và chịu các chi phí phát sinh trong quá trình thu hồi;
- Báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp tỉnh nơi thực hiện thu hồi hàng hóa có khuyết tật sau khi hoàn thành việc thu hồi; trường hợp việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật được tiến hành trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên thì báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở trung ương.
Trên đây là nội dung câu trả lời về trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tìm hiểu thêm tại Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật