Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện các biện pháp gì để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt tại các vị trí nguy hiểm?

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện các biện pháp gì để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt tại các vị trí nguy hiểm? Xin chào quý Ban biên tập, tôi tên Châu Duệ sinh sống và làm việc tại Tp. HCM. Theo thông tin tôi đựơc biết thì Chính phủ vừa ban hành Nghị định hướng dẫn Luật đường sắt. Để đáp ứng nhu cầu hiểu biết tôi có tìm hiểu nhưng vẫn không hiểu lắm nhờ Ban biên tập hỗ trợ, cụ thể: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện các biện pháp gì để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt tại các vị trí nguy hiểm? Tôi có thể tìm hiểu vấn đề này tại văn bản pháp luật nào? Mong sớm nhận được câu trả lời từ Ban biên tập, chân thành cảm ơn! (0123**)

Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định 65/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đường sắt, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018, nội dung này được quy định như sau:

Ngoài việc thực hiện các quy định của Luật Đường sắt và các quy định của pháp luật có liên quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí nguy hiểm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì tổ chức thực hiện các biện pháp sau đây để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt tại các vị trí nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt:

a) Tổ chức giao thông tại khu vực vị trí nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt;

b) Giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường sắt, đường bộ và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông khu vực thuộc phạm vi quản lý;

c) Thực hiện các biện pháp nhằm khắc phục ngay các điểm đen tai nạn giao thông đường sắt để không xảy ra hoặc giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt tại các vị trí này;

d) Tổ chức thực hiện giảm, xóa bỏ những vị trí nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt trừ các trường hợp quy định tại điểm a, điểm b Khoản 4 Điều này hoặc xóa bỏ các điểm tiềm ẩn gây tai nạn giao thông (theo thứ tự ưu tiên đối với các điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông);

đ) Trường hợp chưa thực hiện được các biện pháp quy định tại các điểm a, b, c và d Khoản này, phải xây dựng và thực hiện ngay phương án chốt gác, cơ sở vật chất cho phòng chốt, gác tại các lối đi tự mở được xác định là vị trí nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt; bố trí người đã được huấn luyện nghiệp vụ trước khi tổ chức cảnh giới, chốt gác tại các lối đi tự mở được xác định là điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường sắt.

Trên đây là nội dung tư vấn về Các biện pháp để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện bảo đảm an toàn giao thông đường sắt tại các vị trí nguy hiểm. Để hiểu rõ và chi tiết hơn vấn đề vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 65/2018/NĐ-CP. Mong rằng những chia sẻ trên đây sẽ giúp ích được cho bạn.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Ủy ban nhân dân

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào