Trách nhiệm của chủ đầu tư dự án công trình đường ngang, công trình thiết yếu xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường sắt
Trách nhiệm của chủ đầu tư dự án công trình đường ngang, công trình thiết yếu xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường sắt được quy định tại Điều 62 Thông tư 25/2018/TT-BGTVT quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018, nội dung này được quy định như sau:
1. Trước khi phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình, chủ đầu tư dự án phải thỏa thuận về vị trí, quy mô xây dựng công trình với cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép quy định tại Điều 41, Điều 48 của Thông tư này.
2. Trước khi thi công công trình, chủ đầu tư dự án phải thỏa thuận về phương án tổ chức thi công, thời gian phong tỏa phục vụ thi công, biện pháp đảm bảo an toàn giao thông với tổ chức sau đây:
a) Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt đối với công trình liên quan đến công trình đường sắt quốc gia và đất dành cho đường sắt quốc gia;
b) Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị đối với công trình liên quan đến công trình đường sắt đô thị và đất dành cho đường sắt đô thị;
c) Chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng đối với công trình liên quan đến công trình đường sắt chuyên dùng và đất dành cho đường sắt chuyên dùng;
d) Cơ quan quản lý đường bộ có liên quan.
3. Làm thủ tục nhận bàn giao mặt bằng thi công trước khi khởi công xây dựng công trình.
4. Sau khi thi công hoàn thành công trình, bàn giao lại hiện trường và hồ sơ hoàn công cho các tổ chức quy định tại Khoản 2 Điều này.
5. Duy trì trạng thái kỹ thuật ổn định và bảo đảm nguồn kinh phí để quản lý, bảo trì đối với Phần công trình trong phạm vi đất dành cho đường sắt.
6. Bảo đảm an toàn công trình, an toàn giao thông vận tải đường sắt, bảo vệ môi trường trong suốt quá trình thi công; bảo trì công trình trong quá trình khai thác; cóbiện pháp gia cố kịp thời bảo đảm an toàn công trình, an toàn giao thông vận tải đường sắt khi phát hiện hoặc nhận được tin báo công trình hư hỏng.
7. Tự di chuyển hoặc cải tạo công trình và không đòi bồi thường khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; tự phá dỡ công trình khi hết hạn sử dụng (đối với công trình xây có thời hạn sử dụng được ghi trong giấy phép xây dựng).
8. Bồi thường khi gây ra thiệt hại do lỗi của mình gây ra theo quy định của pháp luật.
9. Thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Trên đây là nội dung tư vấn về Trách nhiệm của chủ đầu tư dự án công trình đường ngang, công trình thiết yếu xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường sắt. Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề vui lòng xem thêm tại Thông tư 25/2018/TT-BGTVT. Mong rằng những giải đáp trên đây sẽ giúp ích cho bạn.
Trân trọng và chúc sức khỏe!
Thư Viện Pháp Luật