Trách nhiệm doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt về xây dựng công trình trong phạm vi đất dành cho đường sắt
Trách nhiệm doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt về xây dựng công trình trong phạm vi đất dành cho đường sắt được quy định tại Điều 59 Thông tư 25/2018/TT-BGTVT quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018, nội dung này được quy định như sau:
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nghiệm thu hoàn thành công trình đường ngang công cộng, đường ngang chuyên dùng trên đường sắt quốc gia, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia tiếp nhận công trình và đưa công trình đường ngang vào khai thác sử dụng.
2. Quản lý, bảo trì, duy trì trạng thái hoạt động của công trình đường ngang công cộng trên đường sắt quốc gia theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 30 của Thông tư này.
3. Bố trí định biên gác đường ngang đối với đường ngang công cộng trên đường sắt quốc gia.
4. Hàng năm chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ và chính quyền địa phương kiểm tra, lập kế hoạch sửa chữa đường ngang công cộng trên đường sắt quốc gia và kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc cải tạo, nâng cấp hoặc thay đổi hình thức phòng vệ đường ngang công cộng trên đường sắt quốc gia phù hợp với quy định tại Thông tư này.
5. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện, kịp thời đề xuất và phối hợp với chính quyền địa phương giải tỏa hành lang an toàn giao thông tại đường ngang trên đường sắt quốc gia.
6. Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cảnh giới tăng cường bảo đảm an toàn giao thông tại các đường ngang công cộng nguy hiểm trên đường sắt quốc gia.
7. Lập hồ sơ quản lý đường ngang công cộng trên đường sắt quốc gia theo quy định tại Điều 29 của Thông tư này.
8. Yêu cầu chủ đầu tư dự án, đơn vị thi công công trình xây dựng đường ngang, công trình thiết yếu xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường sắt quốc gia thực hiện đúng nội dung giấy phép được cấp, phương án bảo đảm an toàn công trình, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường trong quá trình thi công. Trường hợp phát hiện nguy cơ mất an toàn trong quá trình thi công, đề nghị chủ đầu tư dự án tạm dừng thi công để có biện pháp khắc phục; báo cáo cơ quan cấp giấy phép để xử lý theo quy định.
9. Bàn giao mặt bằng thi công, tham gia nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng đường ngang, công trình xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường sắt quốc gia; tiếp nhận hồ sơ hoàn công để phục vụ công tác quản lý, bảo trì theo quy định.
10. Khi hết thời hạn khai thác sử dụng đường ngang, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt chủ trì, phối hợp với chủ quản lý, sử dụng đường ngang, chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, đề xuất cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 41 của Thông tư này làm thủ tục bãi bỏ đường ngang.
11. Chủ trì, phối hợp với chủ quản lý, sử dụng đường ngang và chính quyền địa phương để rào chắn, tháo dỡ đường ngang, hoàn trả kết cấu hạ tầng đường sắt sau khi có quyết định bãi bỏ đường ngang.
12. Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về Cục Đường sắt Việt Nam
a) Nội dung báo cáo về việc sử dụng, khai thác, bảo vệ tài sản công trình đường ngang, hồ sơ quản lý đường ngang quy định tại Thông tư này đối với đường ngang trên đường sắt quốc gia; công trình xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường sắt quốc gia;
b) Kỳ nộp báo cáo từ ngày 15 tháng 3 đến ngày 31 tháng 3 hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu;
c) Biểu mẫu báo cáo quy định tại Phụ lục 7 của Thông tư này.
Trên đây là nội dung tư vấn về Trách nhiệm doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt về xây dựng công trình trong phạm vi đất dành cho đường sắt. Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề vui lòng xem thêm tại Thông tư 25/2018/TT-BGTVT. Mong rằng những giải đáp trên đây sẽ giúp ích cho bạn.
Trân trọng và chúc sức khỏe!
Thư Viện Pháp Luật