Địa danh và ngày, tháng, năm ban hành văn bản hành chính của ngành kiểm sát nhân dân được trình bày như thế nào?
Việc trình bày địa danh và ngày, tháng, năm ban hành văn bản hành chính của ngành kiểm sát nhân dân được quy định tại Điều 10 Quyết định 393/QĐ-VKSTC năm 2016 về Quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính trong ngành Kiểm sát nhân dân do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành như sau:
1. Thể thức
a) Địa danh
Địa danh ghi trên văn bản là tên gọi chính thức của đơn vị hành chính (tên riêng của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) nơi cơ quan đóng trụ sở; đối với những đơn vị hành chính được đặt theo tên người (địa danh hành chính mang tên người) hoặc bằng chữ số (địa danh hành chính theo số thứ tự) hoặc sự kiện lịch sử thì phải ghi tên gọi đầy đủ của đơn vị hành chính đó, cụ thể:
- Địa danh ghi trên văn bản các cơ quan, tổ chức trung ương là tên của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi cơ quan đóng trụ sở, ví dụ:
+ Văn bản của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (có trụ sở tại thành phố Hà Nội): Hà Nội.
+ Văn bản của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh (VC3) (có trụ sở tại Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh): Thành phố Hồ Chí Minh.
- Địa danh ghi trên văn bản của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh là tên của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ví dụ:
+ Văn bản của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội: Hà Nội;
+ Văn bản của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh (có trụ sở tại thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh): Bắc Ninh;
+ Văn bản của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc (có trụ sở tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc): Vĩnh Phúc.
- Địa danh ghi trên văn bản của Viện kiểm sát cấp huyện là tên của huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi cơ quan, tổ chức đóng trụ sở, ví dụ:
+ Văn bản của Viện kiểm sát nhân dân huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội: Sóc Sơn;
+ Văn bản của Viện kiểm sát nhân dân quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng: Hải Châu.
Trường hợp địa danh ghi trên văn bản của Viện kiểm sát thành phố, thị xã thuộc tỉnh mà tên thành phố, thị xã trùng với tên tỉnh thì ghi thêm hai chữ thành phố hoặc thị xã, ví dụ:
+ Văn bản của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh: Thành phố Hà Tĩnh;
+ Văn bản của Viện kiểm sát nhân dân thị xã Lai Châu thuộc tỉnh Lai Châu: Thị xã Lai Châu.
- Những địa danh hành chính mang tên người, địa danh một âm tiết, địa danh theo số thứ tự thì trước tên người, tên riêng một âm tiết, số thứ thự ghi thêm cấp hành chính của địa điểm ban hành văn bản, ví dụ:
+ Địa danh hành chính mang tên người:
Văn bản của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh: Thành phố Hồ Chí Minh.
+ Địa danh hành chính một âm tiết:
Văn bản của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế: Thành phố Huế.
+ Địa danh hành chính theo số thứ tự:
Văn bản của Viện kiểm sát nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh: Quận 1.
b) Ngày, tháng, năm ban hành văn bản
Ngày, tháng, năm ghi trên văn bản là ngày, tháng, năm văn bản đó được ban hành. Phải được viết đầy đủ các số chỉ ngày, tháng, năm, dùng chữ số Ả - rập; đối với những số chỉ ngày nhỏ hơn 10 và tháng 1, 2 của năm phải ghi thêm số 0 ở trước, ví dụ:
+ Văn bản của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội: Hà Nội, ngày 09 tháng 02 năm 2016.
2. Kỹ thuật trình bày
Địa danh và ngày, tháng, năm ban hành văn bản được trình bày trên cùng một dòng với số, ký hiệu văn bản, tại ô số 4 (Phụ lục II), bằng chữ in thường, cỡ chữ từ 13 đến 14, kiểu chữ nghiêng; các chữ cái đầu của địa danh phải viết hoa; sau địa danh có dấu phẩy (,); địa danh và ngày, tháng, năm được đặt canh giữa dưới Quốc hiệu.
Trên đây là nội dung quy định về việc trình bày địa danh và ngày, tháng, năm ban hành văn bản hành chính của ngành kiểm sát nhân dân. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 393/QĐ-VKSTC năm 2016.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật