Số, ký hiệu của văn bản hành chính trong ngành kiểm sát nhân dân được trình bày như thế nào?
Việc trình bày số, ký hiệu của văn bản hành chính trong ngành kiểm sát nhân dân được quy định tại Điều 9 Quyết định 393/QĐ-VKSTC năm 2016 về Quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính trong ngành Kiểm sát nhân dân do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành như sau:
Quy định về ký hiệu của văn bản hành chính sử dụng Phụ lục số I (bảng chữ viết tắt tên loại văn bản hành chính).
1. Thể thức
- Số của văn bản hành chính là số thứ tự đăng ký văn bản do cơ quan, tổ chức ban hành trong một năm. Tùy theo tổng số văn bản và số lượng mỗi loại văn bản hành chính được ban hành, các cơ quan có thể đăng ký và đánh số văn bản theo từng loại văn bản hành chính (áp dụng đối với một số loại văn bản như quyết định (cá biệt), chỉ thị (cá biệt), giấy giới thiệu, giấy đi đường…); hoặc theo các nhóm văn bản nhất định (như nhóm chương trình, kế hoạch, báo cáo, thông báo; nhóm công văn hành chính). Số của văn bản được ghi bằng chữ số Ả - rập, bắt đầu từ số 01 vào ngày đầu năm và kết thúc vào ngày 31/12 hàng năm.
Nhóm văn bản chuyên ngành theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự (cáo trạng, kết luận, quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định kháng nghị…) được đánh số bắt đầu từ 01 vào ngày 01/12 năm trước đến 30/11 năm sau để phục vụ thời điểm lấy số liệu thống kê (theo năm kế hoạch công tác của ngành Kiểm sát như hiện nay).
- Ký hiệu của văn bản hành chính bao gồm chữ viết tắt tên loại văn bản theo Bảng chữ viết tắt tên loại văn bản và bản sao đính kèm Quy định này (phụ lục I) và chữ viết tắt tên cơ quan, tổ chức ban hành văn bản đó (không ghi chữ viết tắt tên đơn vị, bộ phận soạn thảo văn bản), ví dụ:
+ Quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Vụ Tổ chức cán bộ soạn thảo: Số: …/QĐ-VKSTC.
+ Kế hoạch của Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin soạn thảo: Số: …/KH-VKSTC.
+ Thông báo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Văn phòng soạn thảo: Số: …/TB-VKSTC.
+ Tờ trình của Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học soạn thảo: Số: …/TTr-VKSTC.
+ Tờ trình của Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh soạn thảo: Số: …/TTr-TTra.
Đối với công văn, ký hiệu văn bản gồm chữ viết tắt tên cơ quan ban hành văn bản và chữ viết tắt tên đơn vị, bộ phận soạn thảo văn bản, ví dụ:
+ Công văn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Văn phòng soạn thảo: Số: …/VKSTC-VP.
Chữ viết tắt tên cơ quan ban hành văn bản và chữ viết tắt tên các đơn vị hoặc bộ phận trong mỗi cơ quan, tổ chức phải quy định cụ thể, bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các phòng trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể sử dụng ký hiệu đơn vị theo quy định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ví dụ:
Công văn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Thi đua - Khen thưởng soạn thảo: Số …/VKSTC-V16.
2. Kỹ thuật trình bày
Số, ký hiệu của văn bản được trình bày tại ô số 3 (Phụ lục II), được đặt canh giữa dưới tên cơ quan, tổ chức ban hành văn bản.
Từ “Số” được trình bày bằng chữ in thường, ký hiệu bằng chữ in hoa, cỡ chữ 13, kiểu chữ đứng; sau từ “Số” có dấu hai chấm (:); với những số nhỏ hơn 10 phải ghi thêm số 0 phía trước; giữa số và ký hiệu văn bản có dấu gạch chéo (/), giữa các nhóm chữ viết tắt ký hiệu văn bản có dấu gạch nối (-) không cách chữ.
Trên đây là nội dung quy định về việc trình bày số, ký hiệu của văn bản hành chính trong ngành kiểm sát nhân dân. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 393/QĐ-VKSTC năm 2016.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật