Việc chuyển quyền sở hữu đối với chứng khoán niêm yết Trung tâm Lưu ký Chứng khoán thực hiện theo các nguyên tắc nào?
Việc chuyển quyền sở hữu đối với chứng khoán niêm yết Trung tâm Lưu ký Chứng khoán thực hiện theo các nguyên tắc quy định tại Khoản 2 Điều 19 Thông tư 05/2015/TT-BTC hướng dẫn hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán do Bộ Tài chính ban hành, cụ thể như sau:
a) Chuyển quyền sở hữu chứng khoán thông qua các giao dịch mua bán thực hiện qua hệ thống giao dịch của SGDCK;
b) Chuyển quyền sở hữu chứng khoán ngoài hệ thống giao dịch chứng khoán đối với các giao dịch không mang tính chất mua bán hoặc không thể thực hiện được qua hệ thống giao dịch của SGDCK trong các trường hợp sau:
- Biếu, tặng, cho, thừa kế chứng khoán theo quy định của Luật Dân sự;
- Giao dịch chứng khoán lô lẻ theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán;
- Tổ chức phát hành mua lại cổ phiếu ưu đãi hoặc thu hồi cổ phiếu (không phát sinh tiền mua lại) của cán bộ, công nhân viên khi chấm dứt hợp đồng lao động làm cổ phiếu quỹ, cổ phiếu thưởng cho cán bộ, công nhân viên;
- Công đoàn của tổ chức phát hành mua lại cổ phiếu ưu đãi hoặc thu hồi cổ phiếu (không phát sinh tiền mua lại) của cán bộ, công nhân viên khi chấm dứt hợp đồng lao động làm cổ phiếu thưởng cho cán bộ, công nhân viên;
- Tổ chức phát hành mua lại cổ phiếu của cổ đông biểu quyết phản đối quyết định về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty;
- Tổ chức phát hành dùng cổ phiếu quỹ, cổ phiếu thu hồi, công đoàn của tổ chức phát hành dùng cổ phiếu của mình từ các nguồn như được phân phối, mua lại, thu hồi để phân phối, thưởng cho cán bộ, công nhân viên;
- Giao dịch của cổ đông sáng lập trong thời gian hạn chế chuyển nhượng phù hợp với quy định của pháp luật;
- Tổ chức phát hành thay đổi cổ đông chiến lược trong thời gian hạn chế chuyển nhượng;
- Nhà đầu tư ủy thác chuyển quyền sở hữu chứng khoán của mình sang công ty quản lý quỹ trong trường hợp công ty quản lý quỹ nhận quản lý danh mục đầu tư ủy thác bằng tài sản; hoặc công ty quản lý quỹ chuyển quyền sở hữu chứng khoán được ủy thác sang nhà đầu tư ủy thác hoặc công ty quản lý quỹ khác trong trường hợp chấm dứt hợp đồng quản lý danh mục đầu tư; hoặc công ty quản lý quỹ giải thể, phá sản, phải hoàn trả nhà đầu tư ủy thác tài sản hoặc chuyển danh mục tài sản sang công ty quản lý quỹ khác quản lý;
- Chuyển quyền sở hữu theo bản án, quyết định của tòa án, phán quyết của trọng tài hoặc quyết định của cơ quan thi hành án;
- Chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, góp vốn bằng cổ phiếu thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán;
- Chào mua công khai theo quy định của pháp luật;
- Bán đấu giá phần vốn nhà nước theo quy định của pháp luật;
- Chuyển quyền sở hữu chứng khoán cơ cấu, chứng chỉ quỹ trong giao dịch hoán đổi với quỹ hoán đổi danh mục;
- Chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá trên thị trường tiền tệ theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước;
- Chuyển quyền sở hữu trong hoạt động vay và cho vay chứng khoán theo quy định tại Điều 47 Thông tư này gồm chuyển quyền sở hữu chứng khoán từ bên cho vay sang bên vay và ngược lại hoặc chuyển quyền sở hữu tài sản bảo đảm là chứng khoán từ bên vay chứng khoán sang bên cho vay chứng khoán trong trường hợp bên vay bị mất khả năng hoàn trả khoản vay;
- Chuyển quyền sở hữu do xử lý tài sản bảo đảm là chứng khoán trong các giao dịch cầm cố, thế chấp, ký quỹ. Trường hợp chuyển quyền sở hữu liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài chỉ thực hiện sau khi có ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Các trường hợp chuyển quyền sở hữu khác sau khi có ý kiến của UBCKNN.
Trên đây là nội dung câu trả lời quy định về nguyên tắc thực hiện chuyển quyền sở hữu đối với chứng khoán niêm yết Trung tâm Lưu ký Chứng khoán. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề nàu bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Thông tư 05/2015/TT-BTC.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật