"Hiệp sĩ" tử nạn khi bắt cướp có được công nhận liệt sĩ hay không?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005 được sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 1 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng sửa đổi 2012 thì Liệt sĩ là người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân được Nhà nước truy tặng Bằng "Tổ quốc ghi công" thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu;
- Trực tiếp đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận có tổ chức với địch;
- Hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh hoặc thực hiện chủ trương vượt tù, vượt ngục mà hy sinh;
- Làm nghĩa vụ quốc tế;
- Đấu tranh chống tội phạm;
- Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân;
- Do ốm đau, tai nạn khi đang làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
- Khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do cơ quan có thẩm quyền giao;
- Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm;
- Thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 19 của Pháp lệnh này chết vì vết thương tái phát;
- Người mất tin, mất tích trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g Khoản 1 Điều 11 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 17 Nghị định 31/2013/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì Người hy sinh thuộc một trong các trường hợp sau được xem xét xác nhận là liệt sĩ:
- Chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia;
- Trực tiếp phục vụ chiến đấu trong khi địch bắn phá: Tải đạn, cứu thương, tải thương, đảm bảo thông tin liên lạc, cứu chữa kho hàng, bảo vệ hàng hóa và các trường hợp đảm bảo chiến đấu;
- Làm nghĩa vụ quốc tế mà bị chết trong khi thực hiện nhiệm vụ hoặc bị thương, bị bệnh phải đưa về nước điều trị và chết trong khi đang điều trị.
Trường hợp bị chết trong khi học tập, tham quan, du lịch, an dưỡng, chữa bệnh, thăm viếng hữu nghị; làm việc theo hợp đồng kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, lao động thì không thuộc diện xem xét xác nhận là liệt sĩ;
- Trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự;
- Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh;
- Dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân;
- Do ốm đau, tai nạn trong khi đang làm nhiệm vụ quốc phòng và an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;
- Khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do cơ quan có thẩm quyền giao;
- Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh bị chết do vết thương tái phát (không áp dụng đối với thương binh loại B) trong các trường hợp sau:
Suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên chết do vết thương tái phát có xác nhận của cơ sở y tế.
Suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% chết trong khi đang điều trị vết thương tái phát tại bệnh viện cấp huyện hoặc tương đương trở lên;
- Mất tin, mất tích quy định tại Điểm 1 Khoản 1 Điều 11 của Pháp lệnh sau khi cơ quan có thẩm quyền kết luận chưa có chứng cứ phản bội, đầu hàng, chiêu hồi, đào ngũ;
- Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm: Bắn đạn thật, sử dụng thuốc nổ; huấn luyện, diễn tập chiến đấu của không quân, hải quân, cảnh sát biển và đặc công; chữa cháy; chống khủng bố, bạo loạn; giải thoát con tin; cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu thảm họa thiên tai.
Như vây, đối với trường hợp của các "Hiệp sĩ" tử nạn khi bắt cướp nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật được Ban biên tập trích dẫn trên đây thì được Chính phủ xem xét công nhận là liệt sĩ trên cơ sở tờ trình của Bộ Lao động Thuong binh và Xã hội.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo thêm tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005, Nghị định 31/2013/NĐ-CP và các văn bản pháp luật liên quan.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật