Nộp lại Giấy phép, thu hồi Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Nộp lại Giấy phép, thu hồi Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Quang Minh, hiện tôi đang làm việc tại một trung tâm giới thiệu việc làm. Có thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập giải đáp và cung cấp thông tin giúp, cụ thể là nộp lại Giấy phép, thu hồi Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được quy định như thế nào? Tôi có thể tìm hiểu vấn đề này tại văn bản pháp luật nào? Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban biên tập, chân thành cảm ơn!

Nộp lại Giấy phép, thu hồi Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được quy định tại Điều 15 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006, cụ thể như sau:

1. Doanh nghiệp dịch vụ phải nộp lại Giấy phép cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Doanh nghiệp chấm dứt hoạt động;

b) Doanh nghiệp chấm dứt hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

2. Doanh nghiệp dịch vụ bị thu hồi Giấy phép khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Không làm thủ tục đổi Giấy phép hoặc không được đổi Giấy phép;

b) Không bảo đảm các quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 8, khoản 3 và khoản 4 Điều 9 của Luật này hoặc không thực hiện phương án tổ chức bộ máy quy định tại khoản 2 Điều 9 của Luật này;

c) Trong thời hạn mười hai tháng, kể từ ngày được cấp Giấy phép, mà không đưa được người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

d) Vi phạm quy định tại một trong các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 7, thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 27 của Luật này gây thiệt hại nghiêm trọng về vật chất và tinh thần đối với người lao động.

3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định thu hồi Giấy phép; công bố việc thu hồi Giấy phép, việc nộp lại Giấy phép trên một trong các tờ báo viết của trung ương hoặc báo điện tử trong ba số liên tiếp; thông báo việc thu hồi Giấy phép, việc nộp lại Giấy phép cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

4. Doanh nghiệp dịch vụ bị thu hồi Giấy phép theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều này được xem xét cấp Giấy phép sau hai năm, kể từ ngày Quyết định thu hồi Giấy phép có hiệu lực, nếu có đủ điều kiện về vốn pháp định quy định tại khoản 2 Điều 8 và các điều kiện quy định tại Điều 9 của Luật này.

5. Doanh nghiệp dịch vụ bị thu hồi Giấy phép theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều này được xem xét cấp Giấy phép sau năm năm, kể từ ngày Quyết định thu hồi Giấy phép có hiệu lực, nếu có đủ điều kiện về vốn pháp định quy định tại khoản 2 Điều 8, các điều kiện quy định tại Điều 9 của Luật này và đã thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác theo quy định của pháp luật.

Trên đây là một số quy định về việc nộp lại Giấy phép, thu hồi Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Để biết rõ và vấn đề trên bạn có thể tham khảo tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Người lao động

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào