Thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)

Việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Văn Phương, tôi đang có nhu cầu tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực, điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Vừa qua, tôi được biết Chính phủ đã ban hành Nghị định mới quy định về vấn đề này. Tôi đang có thắc mắc cần Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Cho tôi hỏi, theo quy định mới thì việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được quy định cụ thể ra sao? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn!

Theo quy định tại Điều 30 Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (có hiệu lực thi hành từ ngày 19/6/2018) thì việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được quy định cụ thể như sau:

1. Trách nhiệm thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi:

a) Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án quan trọng quốc gia; dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài làm vốn góp của Nhà nước trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, tôn giáo;

b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao đơn vị đầu mối quản lý về hoạt động PPP chủ trì thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án không thuộc trường hợp quy định tại điểm a Khoản này.

2. Nội dung thẩm định:

a) Sự cần thiết của việc thực hiện dự án: Sự phù hợp của dự án với quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành, vùng và địa phương; lợi thế của việc thực hiện dự án theo hình thức PPP so với các hình thức đầu tư khác;

b) Sự phù hợp của các yếu tố cơ bản: Mục tiêu và quy mô, địa điểm thực hiện dự án; yêu cầu về thiết kế, kỹ thuật, công nghệ; đơn giá, định mức, giải pháp thiết kế để tiết kiệm chi phí xây dựng công trình của dự án; phương án tổ chức quản lý và kinh doanh hoặc cung cấp dịch vụ. Thiết kế cơ sở được tổ chức thẩm định theo quy định của pháp luật xây dựng đối với dự án có cấu Phần xây dựng hoặc theo pháp luật chuyên ngành đối với dự án không có cấu Phần xây dựng;

c) Hiệu quả của dự án: Kết quả và đóng góp của dự án đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội; tác động về môi trường, xã hội và quốc phòng, an ninh;

d) Tính khả thi của dự án: Phương án tài chính của dự án, khả năng huy động các nguồn lực để thực hiện dự án; nhu cầu sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, sử dụng tài nguyên; khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ và giải pháp tổ chức thực hiện để đáp ứng nhu cầu, khả năng thanh toán của người sử dụng; sự quan tâm của nhà đầu tư, bên cho vay đối với dự án;

đ) Sự phù hợp của loại hợp đồng dự án: Loại hợp đồng, thời gian thực hiện hợp đồng; rủi ro trong quá trình xây dựng, khai thác, quản lý dự án và biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro;

e) Các nội dung cần thiết khác.

3. Đối với dự án nhóm C sử dụng vốn đầu tư công, bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với Phần vốn đầu tư công theo phân cấp quy định tại pháp luật về đầu tư công, làm cơ sở để phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.

4. Thời hạn thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi:

a) Đối với dự án quan trọng quốc gia: Không quá 90 ngày;

b) Đối với dự án nhóm A: Không quá 40 ngày;

c) Đối với dự án nhóm B, nhóm C: Không quá 30 ngày.

5. Cơ quan thẩm định có thể tuyển chọn tư vấn để thẩm định một Phần hoặc toàn bộ nội dung quy định tại Khoản 2 Điều này.

Trên đây là nội dung tư vấn về việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Dự án đầu tư

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào