Nội dung thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 30 Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (có hiệu lực thi hành từ ngày 19/6/2018) thì nội dung thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được quy định cụ thể như sau:
Nội dung thẩm định:
a) Sự cần thiết của việc thực hiện dự án: Sự phù hợp của dự án với quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành, vùng và địa phương; lợi thế của việc thực hiện dự án theo hình thức PPP so với các hình thức đầu tư khác;
b) Sự phù hợp của các yếu tố cơ bản: Mục tiêu và quy mô, địa điểm thực hiện dự án; yêu cầu về thiết kế, kỹ thuật, công nghệ; đơn giá, định mức, giải pháp thiết kế để tiết kiệm chi phí xây dựng công trình của dự án; phương án tổ chức quản lý và kinh doanh hoặc cung cấp dịch vụ. Thiết kế cơ sở được tổ chức thẩm định theo quy định của pháp luật xây dựng đối với dự án có cấu Phần xây dựng hoặc theo pháp luật chuyên ngành đối với dự án không có cấu Phần xây dựng;
c) Hiệu quả của dự án: Kết quả và đóng góp của dự án đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội; tác động về môi trường, xã hội và quốc phòng, an ninh;
d) Tính khả thi của dự án: Phương án tài chính của dự án, khả năng huy động các nguồn lực để thực hiện dự án; nhu cầu sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, sử dụng tài nguyên; khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ và giải pháp tổ chức thực hiện để đáp ứng nhu cầu, khả năng thanh toán của người sử dụng; sự quan tâm của nhà đầu tư, bên cho vay đối với dự án;
đ) Sự phù hợp của loại hợp đồng dự án: Loại hợp đồng, thời gian thực hiện hợp đồng; rủi ro trong quá trình xây dựng, khai thác, quản lý dự án và biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro;
e) Các nội dung cần thiết khác.
Trên đây là nội dung tư vấn về nội dung thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật