Tước một số quyền công dân
Trước khi Bộ luật hình sự 1999 có hiệu lực thì hình phạt tước một số quyền công dân được thực hiện theo quy định tại Điều 31 Bộ luật hình sự 1985 như sau:
Công dân Việt Nam phạm các tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia hoặc phạm các tội khác trong những trường hợp Bộ luật này quy định, thì bị tước hoặc có thể bị tước một số quyền công dân dưới đây:
- Quyền bầu cử đại biểu các cơ quan quyền lực nhà nước;
- Quyền làm việc trong các cơ quan Nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân;
- Quyền đảm nhiệm cương vị phụ trách trong các tổ chức xã hội.
Thời hạn tước một số quyền công dân là từ một năm đến năm năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Ngoài ra, khi Luật Hình sự sửa đổi 1991 có hiệu lực thì nội dung này được sửa đổi như sau:
"Công dân Việt Nam phạm các tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia hoặc phạm các tội khác trong những trường hợp Bộ luật này quy định, thì bị tước hoặc có thể bị tước một số quyền công dân dưới đây:
- Quyền bầu cử đại biểu các cơ quan quyền lực nhà nước;
- Quyền làm việc trong các cơ quan Nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân;
- Quyền đảm nhiệm cương vị phụ trách trong các tổ chức xã hội.
Thời hạn tước một số quyền công dân là từ một năm đến năm năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu là hình phạt chính khác hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo."
Trên đây là nội dung quy định về hình phạt tước một số quyền công dân. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Bộ luật hình sự 1985 và các văn bản có liên quan.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật