Nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)

Nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Đại Thành, tôi đang có nhu cầu tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực, điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Vừa qua, tôi được biết Chính phủ đã ban hành Nghị định mới quy định về vấn đề này. Tôi đang có thắc mắc cần Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Cho tôi hỏi, theo quy định mới thì nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được quy định cụ thể ra sao? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn!

Theo quy định tại Điều 29 Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (có hiệu lực thi hành từ ngày 19/6/2018) thì nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được quy định cụ thể như sau:

1. Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Phân tích chi tiết về sự cần thiết đầu tư và lợi thế của việc thực hiện dự án so với hình thức đầu tư khác; tham vấn ý kiến về tác động của việc đầu tư thực hiện dự án của một hoặc các cơ quan, tổ chức sau đây: Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, đoàn đại biểu quốc hội tỉnh, thành phố nơi thực hiện dự án; hiệp hội nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực đầu tư;

b) Đánh giá sự phù hợp của dự án với lĩnh vực đầu tư; quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và địa phương;

c) Mục tiêu, quy mô, các hợp Phần (nếu có) và địa điểm thực hiện dự án; nhu cầu sử dụng đất và các nguồn tài nguyên;

d) Thuyết minh yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ để đáp ứng yêu cầu chất lượng công trình dự án, sản phẩm hoặc dịch vụ cung cấp; đánh giá hiện trạng công trình, máy móc, thiết bị, giá trị tài sản (đối với hợp đồng O&M); thiết kế cơ sở theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với dự án có cấu Phần xây dựng);

đ) Hiệu quả kinh tế - xã hội và tác động của dự án đối với môi trường, xã hội và quốc phòng, an ninh.

e) Phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư;

g) Phương án tài chính của dự án (gồm các nội dung quy định tại điểm g Khoản 3 Điều 18 Nghị định này);

h) Khả năng huy động vốn để thực hiện dự án; đánh giá nhu cầu, khả năng thanh toán của thị trường; khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư, bên cho vay đối với dự án;

i) Loại hợp đồng dự án;

k) Tiến độ, thời hạn hợp đồng dự án; thời gian xây dựng, khai thác công trình; phương án tổ chức quản lý, kinh doanh hoặc cung cấp dịch vụ;

l) Phân tích rủi ro, phân chia trách nhiệm của các bên trong việc quản lý rủi ro phát sinh khi thực hiện dự án;

m) Kiến nghị ưu đãi, bảo đảm đầu tư (nếu có);

n) Các nội dung cần thiết khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

2. Bộ, cơ quan ngang bộ hướng dẫn chi tiết nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi phù hợp với yêu cầu thực hiện dự án của ngành, lĩnh vực mình quản lý.

Trên đây là nội dung tư vấn về nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Dự án đầu tư

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào